Kinh tế

Kỳ tích xuất khẩu rau quả vượt dầu thô: Còn nhiều việc phải làm

Để phát huy kỳ tích này cần đảm bảo chất lượng nguyên liệu, tổ chức tốt thị trường, xây dựng thêm các nhà máy nâng cao năng lực chế biến.

Tiếp tục đà tăng trưởng, 4 tháng qua xuất khẩu rau quả đem về kim ngạch xuất khẩu 1,32 tỉ USD cho ngành nông nghiệp, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên rau quả vượt cả dầu thô về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Với nhiều chuyên gia nông nghiệp, đó là một kỳ tích. Nhưng để kỳ tích ấy tiếp tục bền vững đem lại giá trị thực sự cho nông dân thì còn rất nhiều việc phải làm.

Ông Nguyễn Văn Quyên, nông dân thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn sẽ chẳng bao giờ dám mơ đến việc quả vải thiều có thể bước ra khỏi vùng quê nghèo Bắc Giang để ra thị trường thế giới nếu không kiên trì thực hiện quy trình Global Gap.

“Từ khi gia đình tham gia Chương trình sản xuất vải xuất khẩu Viet Gap, Global đã gặp rất thuận lợi trong tiêu thụ. Quả vải trồng ra đến đâu đều được bao tiêu, bán giá lại rất cao gấp 2 -3 lần giá ngoài thị trường”, ông Quyên cho biết.

Vải thiều cây trồng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bắc Giang.

Nhờ áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, cùng với liên kết với doanh nghiệp đã không chỉ đem lại lợi ích đối với hộ gia đình ông Quyên, mà còn đem lại thu nhập mỗi năm từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỉ cho các hộ trồng vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Còn tại khu vực ĐBSCL, người dân cũng đón nhận tin vui khi ngay trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua, quả chôm chôm vượt qua nhiều rào cản khắt khe về chất lượng để có mặt tại thị trường New Zealand. Việc chính thức xuất khẩu chôm chôm vào thị trường này là cơ hội cho doanh nghiệp nói riêng, trái cây Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể thâm nhập các thị trường giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods Group cho rằng, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt giúp xuất khẩu rau, quả liên tục tăng trưởng. Trong đó, việc quy hoạch các vùng sản xuất rau quả sạch được các địa phương và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

“Đối với chanh leo, Tập đoàn đã tiến hành khảo sát tại một số vùng đạt chuẩn về chứng chỉ Global Gap như ở Nghệ An, khu vực Tây Nguyên. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, sản phẩm cần đạt các chứng chỉ thông dụng để đủ điều kiện vào các thị trường giá trị cao, đòi hỏi khắt khe về chất lượng là phải là chứng chỉ Global Gap. Các địa phương cần đưa quy định này vào chương trình, kế hoạch sản xuất trong xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu”, ông Hùng khuyến cáo.

Hàng loạt các loại rau quả vào được các thị trường khó tính cho thấy, sự thay đổi lớn về tư duy của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Từ việc sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch, đến nay ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch với sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, tận dụng những cơ hội thuận lợi của thị trường, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng đang tạo đà để rau, quả Việt Nam tiếp tục thâm nhập những thị trường có giá trị kinh tế cao.

“Để mở cửa thị trường phải giải quyết 2 rào cản chính là kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với những sản phẩm rau củ quả. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải. Cục đang phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu”, ông Trung cho hay.

Bên cạnh việc tổ chức lại thị trường, để gia tăng giá trị rau quả, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, nông dân bị động trong tiêu thụ nông sản, ngoài 145 doanh nghiệp tham gia chuỗi chế biến rau quả, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thêm 7 nhà máy chế biến với công suất quy mô vùng và khu vực.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, “dư địa” xuất khẩu rau quả là rất lớn, để phát huy lợi thế này cần tổ chức tốt thị trường, ngoài xây dựng thêm các nhà máy nâng cao năng lực chế biến, phải đẩy mạnh quy trình sản xuất tiến tiên trong xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu ra phục vụ xuất khẩu.

“Xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ giống mới mà quy trình quản trị từ cách chăm sóc, quản lý phải căn cơ. Sản xuất theo chuỗi phải gắn giữa vùng nguyên liệu với công tác chế biến. Trong sản xuất chuỗi khâu cuối cùng chính là khâu quyết định đó là tổ chức thị trường. Mở được thị trường rồi nhưng phải giữ thị trường. Muốn vậy phải đảm bảo nghiêm túc chuỗi quy trình khép kín, đảm bảo không chỉ sạch, chất lượng mà còn giá thành, số lượng, uy tín các mặt nói chung về hàng hóa là chúng ta thực hiện đúng phương cách hội nhập sâu rộng, với nền sản xuất văn minh, giao dịch thương mại hiện đại”, ông Cường cho biết.

Khai thác tốt lợi thế, áp dụng quy trình sản xuất sạch đáp ứng những rào cản về chất lượng đã đem về kim ngạch xuất khẩu cao cho ngành rau quả trong những tháng đầu năm nay. Đây là tiền đề để rau quả tiếp tục bứt phá không chỉ vượt mốc hơn 3,5 tỉ đô la trong năm nay mà còn hướng “giấc mơ” xuất khẩu rau quả đạt 7 tỷ USD vào năm 2030.

Điều mà người nông dân cần lúc này là vai trò của "Tư lệnh nông nghiệp" trong việc cùng với các địa phương quy hoạch các vùng trồng rau, cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để chuyên canh xuất khẩu và sản xuất hàng hoá lớn./.

Tác giả: Minh Long

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP