Ảnh minh họa. |
Không để thí sinh nào bỏ thi vì khó khăn
Theo Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020, lần đầu tiên, Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia Ban Chỉ đạo thi quốc gia của kỳ thi. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ban ngành cùng vào cuộc để hỗ trợ thí sinh, đảm bảo không thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn.
Chỉ thị chỉ rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chịu trách nhiệm chung về kỳ thi. Bộ có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; ra đề thi; xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung; tổ chức thanh, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi để đảm bảo an toàn, nghiêm túc.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi trên địa bàn bao gồm: Đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi (riêng bài thi trắc nghiệm chấm trên máy tính bằng phần mềm dùng chung của Bộ GD-ĐT), thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi; phân tích dữ liệu về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh của địa phương; xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng; các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí ngân sách để tổ chức kỳ thi.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Chỉ thị cũng chỉ rõ vai trò của các bộ, ngành khác trong công tác tổ chức kỳ thi, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong kỳ thi. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố triển khai biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Đặc biệt chú trọng công tác bảo mật đề thi, vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tạo điều kiện để quá trình vận chuyển đề thi, bài thi nhất là vận chuyển bằng đường hàng không được thuận tiện, an toàn; bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông ảnh hưởng tới việc tổ chức kỳ thi…
Đề thi dễ vẫn có tính phân loại cao
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh; thời gian diễn ra muộn hơn nhưng không xáo trộn nhiều. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với việc tinh giản chương trình.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định: “Các thí sinh yên tâm, đề thi sẽ không đánh đố thí sinh, độ khó phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy - học đặc biệt của năm nay. Mức độ phân hóa của đề cũng đã được điều chỉnh”. Tuy nhiên, thông tin trên khiến nhiều thí sinh đặt lo ngại, liệu đề thi dễ có tạo ra “mưa” điểm 10, gây khó khăn cho việc tuyển sinh, đặc biệt với những trường đại học top đầu?
Về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, bất kỳ thi nào đề thi cũng cần đảm bảo yếu tố phân hóa: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng phải đáp ứng yêu cầu phân hóa. Đề thi tham khảo là định hướng để ra đề thi chính thức và đảm bảo tính phân hóa thí sinh ở các mức xuất sắc, giỏi, khá, trung bình. Để đạt được điểm 9, 10, các em phải học thực sự tốt. Vì thế, các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho hay, đề thi tham khảo Bộ đã công bố đang làm cơ sở cho giáo viên và học sinh ôn tập, cũng là định hướng để Bộ ra đề thi chính thức. Đề thi chính thức sẽ đáp ứng mục tiêu của kỳ thi và hỗ trợ tốt nhất cho công tác tuyển sinh, bảo đảm phân hóa học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá và yếu kém.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, năm nay hầu hết các trường đại học, cao đẳng vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh cùng với các tiêu chí khác. Vì thế, thí sinh cần tham khảo đề án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai phù hợp.
Chia sẻ thêm về việc tuyển sinh của các trường tốp trên, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - một trong những trường có điểm trúng tuyển rất cao, cho hay đề thi có thể dễ hơn nhưng vẫn có tính phân loại.
Và để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, ông Mai Văn Trinh nhắc nhở thí sinh một số điểm cần lưu ý trong kỳ thi năm nay. Ông Trinh cho biết, qua việc đăng ký dự thi của thí sinh các năm qua, có một số lỗi sai sót phổ biến như ghi sai mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển, các lỗi tên không viết hoa, sai quy cách, ghi sai phần đăng ký môn thi, khu vực tuyển sinh…
Vì thế, để tránh sai sót, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để điền phiếu đăng ký chính xác. Thí sinh đặc biệt lưu ý, khác với năm ngoái, năm nay thí sinh là học sinh lớp 12 chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội, không được đăng ký chọn môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, không được đánh dấu (x) vào từng môn học là phần dành cho thí sinh tự do.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo ngành giáo dục mầm non bố trí điện thoại, email, bộ phận thường trực gồm những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Để hỗ trợ công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020, Bộ GD-ĐT vừa cho biết sẽ cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh và các tổ chức, cá nhân liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT qua các kênh khác nhau. Cụ thể, email: [email protected], từ tháng 6/2020 đến ngày 23/9/2020.
Tuy nhiên, nỗi lo về “địa phương hóa” kỳ thi tốt nghiệp mang tính chất quốc gia khi kỳ thi được giao về cho địa phương vẫn là điều hoàn toàn có cơ sở. Nhiều người lo ngại, kỳ thi được tổ chức biệt lập trong từng tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện cho “bệnh thành tích” của các địa phương phát triển. Bởi hệ lụy này đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thập niên qua vẫn luôn là nỗi ám ảnh trước mỗi mùa thi.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT): Không nên quá lo lắng với chất lượng đầu vào Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã trao cho các cơ sở GDĐH quyền tự chủ về chuyên môn học thuật, đồng thời gắn với trách nhiệm tự giải trình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ sở GDĐH phải thực hiện trách nhiệm công khai, minh bạch (đăng đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường), trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH vi phạm sẽ có chế tài theo luật định, theo đó có thể bị dừng đào tạo hoặc dừng tuyển sinh 5 năm. Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, đánh giá được học sinh đạt chuẩn, trên chuẩn (chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục THPT). Bên cạnh đó, đây sẽ là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay. Hơn nữa, mặc dù điểm đầu vào cũng là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định chất lượng đầu ra, nhưng không phải tất cả. Luật GDĐH đã nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến các điều kiện bảo đảm chất lượng của quá trình đào tạo, trong quá trình học nếu không đáp ứng được thì cũng sẽ bị đào thải, không thể tốt nghiệp. Vì vậy, các cơ sở GDĐH dù chọn phương án tuyển sinh nào, cách thức tổ chức tuyển sinh ra sao, cũng sẽ phần nào cho xã hội thấy, họ là ai và ở đâu trong hệ thống GDĐH quốc gia…
|
Tác giả: Uyên Na
Nguồn tin: phapluatplus.vn