Kinh tế

"Kỷ niệm của tôi, ông Phan Văn Khải lúc nào cũng lo cho dân, cho nước"

Hồi tưởng lại những năm tháng làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải những năm đầu đổi mới, ông Trần Đức Nguyên, Trợ lý đặc biệt, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nhớ lại trong hãnh diện, tự hào và thực sự xúc động...

Ngoài vai trò là trợ lý đặc biệt của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Trần Đức Nguyên còn là Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, với hàng loạt chuyên gia kinh tế, học giả hàng đầu Việt Nam như chuyên gia Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh....

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trợ lý đặc biệt, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - ảnh Nguyễn Tuyền


Thưa ông, trong thời gian dài đồng hành với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên nhiệm kỳ công tác của mình, điều gì khiến ông đọng lại kỷ niệm sâu sắc và ý nghĩa nhất?

- Bản thân tôi có rất nhiều kỷ niệm với ông Khải, lúc đó tôi cùng với nguyên Thủ tướng hay hút thuốc lá, có người tặng ông Khải một cây thuốc lá thơm để hút sau đó ông Khải đã gửi tặng tôi.

Ông ấy nói: Cái này là của người ta tặng tôi, tôi thấy hai anh em mình đều hút thuốc nên tôi nhớ đến ông nên tôi tặng.

Đến khi về tôi mở cây thuốc lá ra thì phát hiện người tặng quà cho Thủ tướng gói rất kỹ bên trong có 2.000 USD. Vào năm đó số tiền đó lớn lắm. Tôi liền gửi lại ông Kiều Đình Trụ, khi ấy là thư ký riêng của ông Khải toàn bộ số thuốc lá nói trên cho ông Khải. Thủ tướng Khải đã cảnh báo đối tượng này một cách công khai.

Trước đó, một doanh nghiệp vào dịp Tết có gửi phong bì mừng năm mới đến Thủ tướng Khải, ông ấy đã yêu cầu phải xem xét rõ nhân vật này để nghiêm trị.

Ở thời kỳ ấy đã có chuyện chạy chức, chạy quyền rồi, nhưng với tôi, tôi tin thời anh Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và anh Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), chuyện chạy chức với các anh là không có.

Về cách điều hành kinh tế, dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao, ổn định và xây dựng được nền móng vững chắc. Nhiều quyết sách của Chính phủ như Luật Doanh nghiệp, cắt bỏ Giấy phép con, Ban Nghiên cứu Thủ tướng... đã tạo cơ sở, tiền đề cho lãnh đạo sau này, ông có cảm nghĩ gì?

- Ông Khải được học nhiều nhưng cách hiểu về tài chính tiền tệ, kinh tế thị trường ông thừa nhận mình yếu, không phải thế mạnh bởi ông được học kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong khi kinh tế thị trường là của tư bản. Chính vì vậy, ông sử dụng và lắng nghe các chuyên gia.

Cái tầm của ông Khải là cái tâm luôn lo cho dân, cho nước. Lúc nào trong đầu óc ông ấy cũng chỉ muốn làm cách nào giúp cho nước, cho dân.

Ngay cả khi đi nước ngoài, ông ấy luôn tìm hiểu người ta làm ra làm sao? Lắng nghe anh em tư vấn chính sách đó để áp dụng nên ông có nhiều quyết định có tầm nhìn xa, cao về sau này.

Bản thân ông Khải là con người không ham quyền lực, không ham lợi ích riêng. Ông ấy luôn ý thức được đứng ở vị trí này cũng là rất cao rồi.

Ông được coi là người đứng "sau cánh gà" để giúp Thủ tướng, sát cánh với Thủ tướng trong nhiều chuyến đi, quyết sách, được tiếp cận gần nguyên Thủ tướng về mọi mặt công việc, gia đình và tâm tư tình cảm... Vậy ông có đánh giá gì về con người ông Khải?

- Gia đình ông Khải cũng là gia đình bình thường như nhiều gia đình khác, ông có hai người con, con trai ông làm trong ngành công an, còn người con gái tinh thần không minh mẫn.

Sau này, con gái ông thương yêu và lấy một anh thợ mộc làng, sinh được cháu gái rất ngoan, ông Khải rất quý con rể và đứa cháu này. Hồi còn công tác ngoài Hà Nội, cứ mỗi lần xong việc, ông ấy lại gọi điện thoại để được nói chuyện với cháu ngoại, cảm xúc của chúng tôi đó không phải là Thủ tướng mà là người ông yêu và nhớ cháu!

Còn đối với người con trai của ông, thời ấy anh này cũng góp vốn với bạn bè để lập doanh nghiệp, tuy nhiên được một thời gian ông Khải cùng gia đình khuyên can nên anh ấy thôi.

Ông Khải rất muốn giữ cho con, cho gia đình bởi ông không muốn người ngoài nghĩ con làm doanh nghiệp là để núp bóng hoặc sống bằng hình ảnh của người bố là Thủ tướng.

Khi ông về hưu tập trung kêu gọi từ thiện giúp cho những việc của quê hương, giúp cho nhiều thứ, giúp xây dựng lại đình làng, trường, chợ...

Tôi nhớ ở quê ông, khi về hưu ông huy động nhà hảo tâm xây dựng một ngôi đình làng khang trang. Trước cách mạng, đây là hoạt động bí mật, trong đình ấy có một đài liệt sĩ rất lớn, bên cạnh lại có một ngôi miếu nhỏ thờ 10 người theo đạo Cao Đài bị chết oan.

Có đình và ngôi miếu nên đã trở thành nơi mà người dân địa phương, những người thân thích người Cao Đài bị chết oan và dân quanh vùng lui tới để thắp hương. Họ có nơi nhang khói, vừa giải nỗi oan khuất, vừa xóa bỏ hận thù và hàn gắn vết thương chiến tranh, đoàn kết dân tộc sau cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Ông Khải không nói nhiều, ông thích chuyện thiết thực, ông Khải khi về hưu rồi vẫn còn huy động được các nơi xây dựng trường học ở địa phương. Tôi đi cùng ông ấy tại buổi khánh thành trường tiểu học. Ông ấy nói với giáo viên: Các thầy cô dạy học sinh như nào là chuyện chuyên môn, nhưng làm sao đừng để tụi nhỏ ra ngoài chửi thề nhiều quá.

Sau này, khi gặp lại tôi, ông tâm sự: Tôi nói thế mà các thầy cô họ làm được đấy, tôi muốn từ các thầy cô để xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Đấy, chỉ một hành động đó thôi, ông ấy cho chúng tôi thấy ông ấy không phải dùng quyền lực, không dùng đao to búa lớn mà lại làm được việc.

Còn khi đi công du nước ngoài thì sao? Chính phủ dưới quyền lãnh đạo của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là thời kỳ đặt nền móng, vực dậy lại các mối quan hệ mới, cũ đan xen, giúp Việt Nam thay đổi từ chiến trường, thành thị trường?

- Điều tôi ấn tượng là ông Khải đi đâu cũng có bạn và họ rất thân tình, quan hệ ông tạo dựng rất tốt với các chính trị gia Nhật Bản, trong đó có gia đình cựu Thủ tướng Koizumi, trước đó là gia đình cựu Thủ tướng Nhật Hatoyama.

Mỗi lần sang Nhật, sau các cuộc gặp lễ tiết, ông Khải thường được hai cựu Thủ tướng mời về nhà riêng chơi và thăm. Nhiều cuộc tiếp xúc riêng với tư cách bạn bè thân tình ở Nhật, hoặc ở Việt Nam đều được hai bên duy trì mãi sau này.

Khi ông Khải về hưu, tôi nhớ ông Koizumi và con gái rất hay sang Việt Nam để thăm gia đình ông Khải. Không chỉ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhật mà khi sang Mỹ những năm đầu tiên sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam và ký hiệp định BTA, ông Khải cũng tạo được thiện cảm rất tốt với nhiều người.

Ông Khải trực tiếp có đóng góp, nối lại quan hệ bình thường với ba tổ chức quốc tế với Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bản thân ông Khải đi đàm phán để thực hiện quan hệ thương mại Việt Nam - châu Âu.

Khi ông Khải sang Mỹ, ông luôn muốn gặp gỡ các doanh nghiệp, họ có tổ chức bữa ăn, các công ty lớn của Mỹ đều có mặt, phần lớn họ đều tỏ thái độ muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Ông Khải cũng chủ trương thúc đẩy các cuộc tổ chức việc tìm hài cốt của lính Mỹ mất tích. Tiếp sau đó, những người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam thường xuyên quay trở lại và trong cuộc gặp với ông, họ nói rằng họ thấy lạ là người Việt Nam đều không tỏ thái độ căm thù gì đối với người Mỹ ngay sau cuộc chiến tương tàn...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Nguyễn Tuyền (Thực hiện)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP