Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Ông Vũ Trọng Kim – đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Hải Dương), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, chế tài xử lý này được xem là biện pháp răn đe, đánh mạnh vào ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức khi còn đang tại vị. Theo đó, người cán bộ, công chức, viên chức khi còn công tác phải cân nhắc, thận trọng, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Trường hợp nào làm sai, để lại hậu quả nghiêm trọng thì căn cứ vào thực trạng, mức độ vi phạm cần tiếp tục xem xét trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thậm chí là trách nhiệm hình sự.
Ông Vũ Trọng Kim. |
“Trong thời gian cán bộ còn đương chức mắc những vi phạm, khuyết điểm được xác định xâm phạm đến tài sản, tài chính của Nhà nước thì dù cán bộ đó đã nghỉ hưu vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không có chuyện “hạ cánh an toàn”- ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Thời gian vừa qua, không ít cán bộ lãnh đạo, thậm chí là cán bộ cấp cao mặc dù đã nghỉ hưu nhưng những sai phạm của họ vẫn bị đưa ra ánh sáng. Có người được xác định có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian công tác, gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân nên phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Có người bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, thậm chí có người bị cách hết chức vụ trong Đảng, thậm chí vướng vòng lao lý.
Việc xem xét, kỷ luật hàng loạt cán bộ trong thời gian vừa qua được dư luận, nhân dân đồng tình ủng hộ, phản ánh một bước tiến thực sự của dân chủ trong việc xử lý cán bộ “không có vùng cấm”, không gượng nhẹ, không bao che, góp phần căn bản lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi xót xa, song cũng cho công luận thấy rõ đâu là công, đâu là tội, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe những người đang thi hành công vụ, nhìn vào những mặt trái đó để tự soi, tự đánh giá, tự điều chỉnh mình cả về nhận thức và hành vi, để làm sao xứng đáng với chức vụ, quyền hành, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Ông Kim phân tích, thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi cán bộ lãnh đạo cận kề thời gian nghỉ hưu đã không vượt qua sự cám dỗ của vật chất, làm trái công vụ, thực hiện “chuyến tàu vét”, tranh thủ “hoàng hôn nhiệm kỳ” để “thả tay” làm những việc có hại cho dân, cho nước, gây thất thoát tài sản công, nảy sinh lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết nội bộ…
Thậm chí có người đã nghĩ rằng, đến khi họ rời nhiệm sở thì những sai phạm dù có cũng không bị phanh phui, không phải chịu trách nhiệm. Song những bài học thời gian qua cho thấy, với quyết tâm chính trị rất cao, các cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng hàng loạt sai phạm của quan chức khi còn tại vị, các cá nhân cũng đã chịu những hình thức kỷ luật thích đáng.
“Cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, dự thảo Nghị định đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến nhân dân được kỳ vọng tạo thêm hành lang pháp lý để xử lý mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Cán bộ giữ cương vị càng cao thì phải chịu mức xử lý càng nghiêm khắc” – ông Vũ Trọng Kim cho biết./.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: Báo VOV