Tin địa phương

Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm sau 23 năm

Lần đầu tiên sau 23 năm, kinh tế TP Đà Nẵng ghi nhận tăng trưởng âm 3,61%. Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020.

Lần đầu tiên sau 23 năm, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm

Nhiều chỉ tiêu kinh tế sụt giảm!

Do dịch Covid-19, thời gian qua, ngành dịch vụ - du lịch của TP Đà Nẵng gần như “tê liệt” hoàn toàn. Công ty CP Bảo Nguyên Food (hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, dịch vụ du lịch)… là một ví dụ.

Theo ông Phùng Văn Thuận, Giám đốc Công ty, số lượng người lao động phải nghỉ không lương, làm việc luân phiên…, thậm chí mất việc khó tránh khỏi. Sau hàng loạt động thái “kích cầu du lịch” của chính quyền địa phương, đến nay ngành dịch vụ du lịch đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng chủ yếu “cầm hơi” vì chưa thể mở cửa giao thương quốc tế, chỉ đón khách trong nước.

Không chỉ vậy, đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng… thời gian dịch bệnh Covid-19 cũng trở nên đìu hiu thấy rõ. “Phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế, thời gian qua TP Đà Nẵng chưa chú trọng đến các ngành hỗ trợ như: Công nghệ thông tin, sản xuất công - nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, logistics… vì thế, khi du lịch - dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế Đà Nẵng tụt dốc mạnh”, ông Thuận nêu.

Những quan điểm trên cũng không nằm ngoài báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại Kỳ họp thứ 15 khóa IX HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021, diễn ra vào ngày 6/7. Cụ thể, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, kinh tế Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 không thể duy trì được mức tăng như những năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp.

Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 ước giảm 3,61% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, dịch vụ giảm 4,6%; công nghiệp - xây dựng giảm 1,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,3% và thuế sản phẩm giảm 2,4%. Quy mô nền kinh tế 6 tháng của Đà Nẵng ước đạt 51.072 tỷ đồng, thu hẹp hơn 918 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng 261 tỷ đồng; thuế sản phẩm 12 tỷ đồng; riêng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng thêm 114 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước tính 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.660 nghìn lượt khách, giảm 49,1% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt 627 nghìn lượt, giảm 46,2%; khách trong nước ước đạt 1.033 nghìn lượt, giảm 50,7%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng ước đạt 6.858 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ 2019.

Ông Thuận cũng như các chuyên gia kinh tế nhận định, đây chính là bức tranh tệ hại về kinh tế mà Đà Nẵng đang phải đối mặt.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung thừa nhận, đây là lần đầu tiên sau 23 năm kinh tế thành phố tăng trưởng âm 3,61%. Cùng với đó, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư chưa chuyển biến tích cực; vẫn còn nhiều dự án công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ; tỉ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tính đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, nhiều bất cập trên các lĩnh vực, như: Quy hoạch treo, quản lý đất đai, xây dựng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác thải, nước sạch, trật tự đô thị… vẫn chưa được tập trung giải quyết căn cơ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động băng nhóm chuyên nghiệp gia tăng... Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm… Những vấn đề này, theo ông Trung, cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để tập trung khắc phục trong thời gian đến.

Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ thảo luận, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của thành phố

3 kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng, kết hợp sự rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu các cân đối lớn của Chính phủ về tăng trưởng của Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Các kịch bản chủ yếu phụ thuộc vào bối cảnh chính là thời điểm các quốc gia đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước ASEAN, EU khống chế được dịch bệnh. Cùng với đó, tất cả các kịch bản cũng đã tính đến nỗ lực của chính quyền, người dân TP Đà Nẵng trong việc nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, kịch bản 1, đưa ra tình huống Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng khống chế được dịch trong quý III/2020.

Với kịch bản này, vào quý III, kinh tế Đà Nẵng trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành (phân theo ngành cấp 1) vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang quý IV, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản sẽ trở lại như dự kiến ban đầu. Cũng kịch bản này, dự kiến GRDP Đà Nẵng tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Kịch bản 2, tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Một vài các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được dịch trong quý III/2020, một số nước chỉ khống chế được dịch trong quý IV/2020.

Khi đó, vào quý III, kinh tế Đà Nẵng chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang đến quý IV, kinh tế trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP Đà Nẵng giảm khoảng 0,88% so với năm 2019.

Kịch bản 3, tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể khống chế được dịch trong quý III/2020 và kéo dài sang quý IV/2020.

Với kịch bản này, kết quả 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế Đà Nẵng vẫn chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020, thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP Đà Nẵng giảm khoảng 2,83% so với năm 2019.

Xu hướng chung, các quốc gia đều mong muốn có thể sớm gỡ bỏ lệnh cách ly, phong tỏa để cuộc sống và việc làm của người dân quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, tại tất cả các nước, các quyết định đều được xem xét, cân nhắc một cách rất thận trọng để hạn chế sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, việc bãi bỏ những biện pháp hạn chế rủi ro quá sớm có thể kéo theo một đợt bùng phát dịch mới.

Do vậy, UBND TP Đà Nẵng nhận định, khả năng kịch bản 1 quá lý tưởng, trong khi kịch bản 3 hoàn toàn có thể xảy ra, khi hàng ngày vẫn có trên 100.000 người mắc bệnh và trên 5 ngàn người tử vong (thời điểm đầu tháng 6/2020). Vì vậy, kịch bản 2 có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020.

Ngày 6/7, HĐND TP khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 khai mạc Kỳ họp lần thứ 15. Theo Chương trình làm việc, Kỳ họp lần này không chỉ tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; mà sẽ thảo luận, cho ý kiến 44 báo cáo, tờ trình tại Kỳ họp với những nội dung vừa mang tính dài hạn liên quan đến sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố, vừa giải quyết những vấn đề bức xúc kéo dài tác động đến đời sống và sinh hoạt của người dân thành phố và thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP