Nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã cho biết như vậy tại Hội thảo “Phát triển trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT” ngày 22/11.
Phải thâm nhập thực tế
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, cần khắc phục ngay tình trạng thực tế đang làm triệt tiêu hiệu quả lẫn nhau giữa phổ thông và sư phạm: sinh viên sư phạm than phiền rằng trường phổ thông (khi họ đến thực tập hay nhận công tác mới) không phải là môi trường để áp dụng các kiến thức, kĩ năng hoạt động giáo dục đã được học trong trường sư phạm. Ngược lại, các trường, các giảng viên sư phạm không biết đến nhiều giải pháp đổi mới về quản lí và chuyên môn ở phổ thông.
Ông Hiển cho rằng, các trường sư phạm phải chủ động hơn nữa trong việc thâm nhập thực tế GDPT.
"Bộ cần qui định trong chế độ làm việc của giảng viên có trách nhiệm hoạt động ở phổ thông (về trách nhiệm phối hợp, thời gian, nội dung hoạt động và báo cáo kết quả,...), để phát huy tốt hơn vai trò của họ trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho cả sinh viên và giáo viên phổ thông. Đồng thời cũng là hình thức tự bồi dưỡng qua công việc của giảng viên sư phạm. Ngược lại, các trường sư phạm cũng cần mời GVCC ở phổ thông cộng tác trong việc phát triển chương trình, tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường sư phạm" - ông Hiển đưa ý kiến.
TS Nguyễn Vinh Hiển |
Theo ông Hiển, để sinh viên sư phạm hiện nay sẽ ra trường mà không bị thiếu hụt do đào tạo như các giáo viên đương nhiệm thì ngay từ bây giờ các trường sư phạm phải đổi mới chương trình và phương thức đào tạo. Mặt khác, cần có sự đối chiếu, điều chỉnh để bảo đảm sự tương thích giữa chương trình đào tạo mới và nội dung bồi dưỡng thường xuyên.
Theo Nghị quyết 29, tiến tới tất cả GV phổ thông đều có trình độ đào tạo tối thiểu là đại học và có năng lực sư phạm. Bên cạnh đó, theo CT GDPT, phải đảm bảo tính thống nhất giữa tích hợp và phân hoá trong dạy học ở tất cả các cấp học.
Từ 2 yêu cầu đó, ông Hiển, đề xuất mô hình đào tạo là giai đoạn đầu tập trung đào tạo về các kiến thức và kĩ năng chung cho tất cả sinh viên sư phạm; giai đoạn sau sẽ phân hoá đào tạo khoa học chuyên ngành, khoa học giáo dục và nghiệp vụ sư phạm phù hợp yêu cầu của mỗi cấp học. Mô hình này tạo thuận lợi cho việc phát triển năng lực chung của sinh viên, tiết kiệm nguồn lực và bảo đảm sự linh hoạt về đầu ra cho sinh viên sư phạm.
Việc đổi mới mục tiêu, nội dung và mô hình đào tạo cũng đặt ra yêu cầu phải đổi mới về tổ chức và điều hành hoạt động trong nội bộ mỗi trường sư phạm và sự liên kết, phối hợp giữa các trường. Cần có sự phân công lại và phối hợp hiệu quả hơn giữa các khoa của trường sư phạm hiện nay để đào tạo phần chung và phần riêng của từng chuyên ngành phù hợp, nhất là trong đào tạo GV các bộ môn của THCS và THPT.
Giảng viên trường sư phạm phải đáp ứng yêu cầu của NQ29: “có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.
Do đó, ông Hiển khuyên rằng, các giáo viên phải tự đổi mới mình thông qua các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, tiếp thu các thành tựu hiện đại của khoa học giáo dục thế giới thông qua các hoạt động hợp tác, trao đổi quốc tế.
Giảng viên của bộ môn nào cũng phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, sao cho các hình thức và phương pháp giáo dục của trường sư phạm (không chỉ là của bộ môn phương pháp giảng dạy) thật sự là hình mẫu cho sinh viên trải nghiệm để vận dụng trong các trường phổ thông.
Phải thiết kế lại chương trình
Trong giai đoạn giáo dục hiện nay, muốn phát triển kiến thức chuyên môn, mỗi người GV và CBQLGD cần phải, nắm bắt được định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới là theo định hướng tiếp cận năng lực, cụ thể, không bắt đầu bằng việc xác định nội dung dạy học mà bằng việc xác định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình.
GS.TS Đinh Quang Báo cho biết, chương trình GDPT định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, khi đó, chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã được mô tả tường minh các năng lực chung, năng lực đặc thù bằng các tiêu chí, chỉ báo để dựa vào đó giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý nhà trường phải “đọc bản thiết kế”, tổ chức “thi công” làm ra sản phẩm là nhân cách học sinh với đầy đủ các phẩm chất và năng lực đã xác định. Để thực hiện việc đó, mỗi nhà trường phải phát triển chương trình nhà trường phù hợp.
GS.TS Đinh Quang Báo |
Cụ thể, chương trình GDPT được xây dựng theo định hướng tích hợp và phân hoá. Khi đó, mỗi nhà trường phải xây dựng một kế hoạch quản lý hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất, đặc biệt phải bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp, phân hoá cho giáo viên; cơ cấu lại đội ngũ giáo viên; phải khảo sát hệ thống ngành nghề và nhu cầu nhân lực của địa phương, các cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp để có kế hoạch hợp tác giáo dục; biên chế lớp học theo từng nhóm ngành nghề, xác định các tổ hợp chuyên đề, môn học phù hợp; tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho học sinh…
Nếu muốn giáo viên tổ chức dạy học phân hóa theo các môn học tự chọn, GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, các chủ đề học tập tự chọn thì giáo viên phải được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng sao cho họ vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học, chuyên đề ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với một lĩnh vực ngành nghề. Đó là giải pháp lâu dài, bền vững mà trước hết phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.
"Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên cần thiết kế chương trình sao cho sinh viên vừa được đào tạo để dạy học các môn học tích hợp các khoa học, vừa được lựa chọn để được đào tạo chuyên sâu các môn học, chuyên đề tự chọn. Các địa phương thường xuyên bồi dưỡng cập nhật chuyên sâu các môn học, chuyên đề tự chọn, và coi đây là một nội dung của phát triển chương trình nhà trường" - GS Báo nhấn mạnh.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Thúy Hồng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, các trường cần tạo điều kiện cho GV có thể dạy được ít nhất 2 môn học thuận lợi cho việc tăng cường tính tích hợp trong giảng dạy; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí việc làm tại trường phổ thông nhất là trường THCS và THPT khi thực hiện tăng cường GD hướng nghiệp và dạy học phân hóa.
Điều này đặt ra yêu cầu đổi mới Chương trình đào tạo sư phạm, tạo cơ hội cho GV được học thêm văn bằng 2. Đồng thời, tăng cường trao quyền tự chủ thực sự cho lãnh đạo trường trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên và tự chủ về tài chính; liên tục đánh giá tác động của chính sách giáo dục với các bên liên quan…
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí