Sáng 21/10, trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri, nhân dân ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác quản lý giáo dục tại các địa phương, cơ sở; chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên, công chức, viên chức trong ngành; phòng, chống bạo lực học đường.
Tồn tại những “lỗ hổng”
Ông Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo trước Quốc hội. |
Việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 nhìn chung đã bảo đảm nghiêm túc, khách quan, an toàn. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri, nhân dân lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh. Trong đó có vụ việc bỏ quên học sinh trên xe của trường Gateway, Hà Nội làm 1 học sinh tử vong; vụ việc bỏ quên học sinh trên xe của cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí ở thôn Đoài, Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh làm 1 học sinh bị hôn mê….
Cử tri và nhân dân còn lo lắng về việc tồn tại những “lỗ hổng” trong việc quản lý các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học” – ông Trần Thanh Mẫn cho biết.
Cử tri kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số kiến nghị cử tri liên quan đến việc khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, trả lời thường rất chung, không nêu kết quả xử lý cụ thể.
Cụ thể, cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018.
Trong văn bản của Bộ GD&ĐT ghi rõ, Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật, bao gồm: Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước. Công tác quán triệt quy chế thi và các hướng dẫn nhiệm vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi; công tác thanh kiểm tra chưa được sâu sát trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi tại một số địa phương.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp kiểm điểm sai phạm đối với các tập thể, cá nhân tham gia kỳ thi năm 2018 nhằm nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đề ra giải pháp khắc phục để triển khai tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo.
Bà Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo trước Quốc hội. |
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, cử tri cho rằng, vụ gian lận thi cử 2018 vừa qua, các tỉnh Hòa Bình và Sơn La nhìn chung đã xử lý nghiêm khắc, đảm bảo sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Có thể nói, những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi.
“Đối với kỳ thi 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật” – bà Nguyễn Thanh Hải cho biết./.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: Báo VOV