Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) báo cáo về việc xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Nội dung này sau đó sẽ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1-3-2019.
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu không thực hiện vào tháng 10-2018 như dự tính trước đó. |
Như thế, ít nhất đến hết năm 2019, trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ chưa được xem xét đến.
Trước đó, trong một bản dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng lên 4.000 đồng. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tức tăng 500 đồng/lít.
Dầu madut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, tức tăng 1.100 đồng/lít. Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tương ứng tăng 1.100 đồng/kg. Dầu hỏa tăng thêm 1.700 đồng/lít, từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Theo dự kiến trước đó, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thuế xăng dầu mới có thể áp dụng từ tháng 10-2018, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch tăng thuế trong tháng 7-2018. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định Thường vụ Quốc hội sẽ không biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp bởi còn nhiều ý kiến trái chiều.
Tác giả: Ph.Nhung
Nguồn tin: Báo Người lao động