Trong nước

Không mở rộng hình thức tố cáo qua fax, email, điện thoại

96,1% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Luật tố cáo sửa đổi, trong đó các hình thức tố cáo được phép vẫn chỉ là bằng đơn và trực tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật tố cáo sửa đổi sáng 12-6 - Ảnh: Quochoi.vn

Tố cáo qua mail, điện thoại, fax… có bằng chứng phải kiểm tra

Giải trình, tiếp thu dự án Luật tố cáo sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ hình thức tố cáo như hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi.

Có một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu các tố cáo qua các kênh trên có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định có nhiều đơn tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nhưng người khiếu nại không đồng ý và tiếp tục chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại mà không cung cấp được bằng chứng.

Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định về điều kiện tố cáo: Người tố cáo phải là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.

Dự thảo cũng quy định chặt chẽ hơn trong quy định về rút tố cáo, tránh việc rút tố cáo do bị dụ dỗ, mua chuộc… Dự thảo có những điều khoản cụ thể về điều kiện, yêu cầu của việc rút tố cáo, trách nhiệm giải quyết tố cáo khi hành vi bị tố cáo vẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc xử lý hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, kể cả trong trường hợp rút tố cáo.

Tăng biện pháp bảo vệ người tố cáo

Về đối tượng và phạm vi bảo vệ tố cáo, dự thảo luật xác định đối tượng được bảo vệ theo hướng làm rõ phạm vi "người thân thích của người tố cáo" trong quy định của luật hiện hành.

Quy định này vừa kế thừa luật hiện hành, vừa bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ của điều luật, đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo.

Đối với các đối tượng khác, pháp luật hiện hành vẫn có đủ cơ chế để bảo vệ khi quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.

Về ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về căn cứ để yêu cầu, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rằng đây là các vấn đề rất cụ thể, đa dạng trong thực tiễn. Do đó Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của công tác bảo vệ.

Liên quan đến ý kiến đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng không quy định về địa điểm bảo vệ.

Về biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các quy định liên quan đã bao quát các biện pháp để bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ, không chỉ khắc phục hậu quả đã xảy ra mà còn ngăn chặn việc quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ có nguy cơ bị xâm hại.

Tác giả: THÁI BÁ DŨNG

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP