Giải trí

Không ai được quyền cấm người hát dở lên sân khấu và trở thành ca sỹ?

Đó là những câu hỏi được đặt ra xoay quanh những tranh cãi liên quan đến chuyện Chi Pu đi hát và danh xưng “ca sĩ”. Nhiều người cho rằng, ca sĩ hát hay hoặc dở là do người nghe quyết định chứ không ai được cấm họ lên sân khấu.

“Con nít thích làm ca sĩ thì cứ để cho làm ca sĩ?”

Những tranh cãi liên quan đến giọng hát của Chi Pu và tuyên bố “Từ nay hãy gọi tôi là ca sĩ” càng lúc càng trở nên căng thẳng. Người phản đối rất nhiều mà người bảo vệ cũng lắm.

Mới đây, nam ca sĩ Lam Trường đã lên tiếng chia sẻ quan điểm của mình về sự việc này. Anh cho rằng: “Ca sĩ hát hay, hát dở thì khán giả sẽ quyết định nghe hay không. Nếu bạn không thích thì đừng đến chương trình của họ, còn bạn là ca sĩ nếu không thích đứng chung sân khấu với họ thì đừng nhận lời diễn chung. Mỗi người đều có ước mơ và họ không phải xin xỏ ai để thực hiện nó. Hơn nữa là không thể chối bỏ quyền lựa chọn của khán giả”.

Việc Chi Pu đi hát đang gây nên nhiều tranh cãi.

Đồng tình với quan điểm của ca sĩ Lam Trường, ca sĩ Thanh Thảo phát biểu rằng mỗi người đều có quyền nuôi dưỡng ước mơ và nếu muốn tiến xa phải tự thân vận động, cố gắng hết mình để thực hiện ước mơ đó.

Bản thân ca sĩ Vũ Hà cũng bày tỏ rằng: “Con nít thích làm ca sĩ thì cứ để cho làm ca sĩ, quan trọng nhất là có được khán giả công nhận hay không. Khán giả công nhận thì mới được làm ca sĩ, chứ bọn mình không thể nào có cái quyền bỏ phiếu hoặc kiến nghị cấm cô ta không được làm ca sĩ”.

Nhìn nhận vấn đề một cách độc lập, MC Phan Anh nghĩ rằng “Chi Pu hát cứ hát thôi, miễn đừng vội giới thiệu bạn ấy là ca sĩ vội là được mà. Cần gì mà dập con người ta dữ vậy?”.

Ca sĩ Hoàng Bách cũng nhìn nhận, người hát dở có được quyền lên sân khấu hát hay không không chỉ phụ thuộc vào khán giả mà còn phụ thuộc vào người tổ chức show.

“Tôi tin, chẳng ai bỏ tiền đi xem người họ thật sự không muốn xem và cũng chẳng ai trả tiền để mời người không mang lại lợi nhuận kinh doanh cho mình”, ca sĩ Hoàng Bách bày tỏ.

Hoàng Bách cũng cho rằng, bản thân không có quyền phải khuyên khán giả phải làm thế này, phải làm thế kia. Tuy nhiên, nếu trong vai trò khán giả, anh sẽ thể hiện ý muốn và quyền của mình thật quyết liệt. Đó là không quan tâm đến những nghệ sĩ mình không ưa, không để mình bị mắc lừa những chiêu trò câu like, câu dư luận của họ. Đặc biệt, không click vào xem những thứ mình không thích.

Nhiều người tan vỡ mộng làm ca sĩ chỉ sau một bài hát

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long phân tích rằng, đối với đặc thù thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, khi mà thói quen nghe nhạc tương đối đơn giản, chủ yếu là dòng ca khúc, trong khi ca khúc lại phân chia ra nhiều nhánh phù hợp với từng loại đối tượng khán giả nên nhiều người chỉ cần có một chút giọng hát là có thể trở thành ca sĩ được.

“Điều này không chỉ hiện nay mới có mà đã diễn ra từ 1 - 2 thập kỷ gần đây, kể từ khi dòng nhạc mà chúng ta hay gọi là nhạc trẻ, nhạc thị trường xuất hiện. Có thể nhìn thấy nhiều ca sĩ dòng nhạc này không thể coi là có giọng hát tốt, càng không nhìn thấy kỹ thuật ca hát ở trong đó nhưng vẫn có thể trở thành ca sĩ. Thậm chí, thành ca sĩ được nhiều bạn trẻ hâm mộ.

Trong giai đoạn hiện nay, mạng xã hội phát triển cùng với những tiện ích về công nghệ càng giúp cho người trẻ thêm phần tự tin thể hiện những điều mà họ thích. Cá nhân tôi tôn trọng quyền tự do thể hiện mình của các bạn trẻ.

Thậm chí, tôi thích những bản trẻ tự tin thể hiện một khả năng có thể là sở đoản của họ. Dám dấn thân vào sở đoản và chấp nhận những búa rìu dư luận cũng thể hiện sự tự tin của người trẻ. Thời buổi này thì ai cũng có thể xưng danh ca sĩ nhưng nếu xem ca hát là một nghề thực sự, nghề đặc biệt cho niềm đam mê thì còn cần nhiều yêu cầu khác. Yêu cầu cao nhất vẫn là giọng hát tốt, đồng thời không thể xem nhẹ sự trau dồi, luyện tập một cách nghiêm túc.

Trường hợp đang lùm xùm hiện nay là Chi Pu, tôi không biết nhiều và cũng không theo dõi hoạt động âm nhạc của bạn ấy nhưng sự việc vừa rồi mà mạng xã hội phản ảnh hát 10 nốt phô 8 khiến tôi bật cười và cũng tò mò xem thử. Thú thực, đúng là phần trình diễn chưa tốt, cao độ chưa chuẩn, có những nốt bị “oét”.

Song, nhìn khách quan về giọng hát Chi Pu hay thì không dám khẳng định nhưng tôi nghĩ bạn ấy cũng có một chất giọng có thể hát tốt hơn nếu Chi Pu dành hẳn thời gian để học tập trau dồi khả năng ca hát của mình với những thầy thanh nhạc chuyên nghiệp”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ thêm.

Thực tế, trong dòng chảy âm nhạc, từng có nhiều người trẻ bước chân vào con đường ca hát nhưng sau đó cũng sớm “bỏ của chạy lấy người”. Cụ thể như trường hợp của người mẫu Trúc Diễm sau khi tham gia liveshow “Album vàng” tháng 11/2010 đã bị nhạc sĩ Trần Tiến nhận xét với lời lẽ khá gay gắt về giọng hát. Và về sau, Trúc Diễm cũng gác hẳn giấc mơ ca hát chuyên nghiệp để chăm chút cho việc kinh doanh.

Bản thân diễn viên Phi Thanh Vân cũng từng gây nên một cú chấn động làng giải trí khi ra mắt ca khúc “Da nâu”. Với giọng hát dở tệ và nội dung ca khúc vô nghĩa, Phi Thanh Vân đã hứng không biết bao nhiêu “gạch đá” từ phía dư luận. Từ đó cho đến nay, diễn viên nổi danh với hàng chục cuộc phẫu thuật thẩm mỹ này đã không nhắc gì đến việc trở thành ca sỹ chuyên nghiệp của mình.

Năm 2013, siêu mẫu Võ Hoàng Yến từng bất ngờ tung sản phẩm âm nhạc đầu tay “Hãy nói với em” do một đạo diễn Việt Kiều công phu dàn dựng. Ngay khi ra mắt, sản phẩm âm nhạc này bị chê tơi tả. Không ai hiểu được vì sao Hoàng Yến lại ôm mộng ca sĩ khi tất cả các nốt cao hay nốt thấp cô đều phải nhờ đến dàn bè hỗ trợ. Sau sản phẩm âm nhạc này, Võ Hoàng Yến cũng “im thin thít” trước giấc mơ thành ca sĩ của mình.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: người hát dở , Chi Pu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP