Kinh tế

Không ai cứu nông thôn bằng giải pháp thô bạo

Khi chính quyền áp đặt hành chính khá mạnh mẽ theo kiểu bao cấp thì rủi ro kinh tế xuất hiện khá mạnh, nhất là khi chính quyền chung nhóm lợi ích với doanh nghiệp.

"Nông dân làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài, mua xe"

Doanh nghiệp - nông nghiệp - cộng đồng nông dân


Chính sách Nhà nước thu hồi đất của ta được coi như rất tiến bộ so với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới.

Kể từ Luật Đất đai 2003, Nhà nước không cho phép thu hồi đất của nông dân để giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp. Đây là chính sách bảo hộ rất tốt cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp không thể vận dụng cơ chế hành chính để lấy đất của nông dân, chỉ còn có cách hợp tác với nông dân để tiếp cận đất đai và tạo ra lợi ích cho cả hai bên.

Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã bắt đầu từ khá lâu rồi, không phải là phát kiến mới, nhưng thường dưới dạng tự phát của doanh nghiệp thương mại có nhu cầu thu mua nông sản để xuất khẩu. Doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân dưới dạng trả một phần tiền trước để nông dân sản xuất nông sản theo đơn hàng và thu mua với giá đã ấn định.

Tình trạng xảy ra ở khá nhiều địa phương là giá nông sản thực tế cao hơn giá thu mua đã ấn định trong hợp đồng thì nhiều nông dân bội ước, phá vỡ hợp đồng đã ký kết và doanh nghiệp đành "bó tay"; ngược lại khi nông sản rớt giá trên thị trường thì doanh nghiệp bội ước, đành mất số tiền nhỏ đã đặt và nông dân thì cũng "bó tay" với đám nông sản thừa đang "ế ẩm".

Đây là mối liên kết thương mại không bền vững, chữ tín bị phá bỏ bất cứ lúc nào do bên này hay bên kia dựa vào cân nhắc theo lợi ích của mình. Nguyên nhân sâu xa là do doanh nghiệp liên kết chỉ là các doanh nghiệp thương mại, không phải là các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, không tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nông thôn VN. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo


Mô hình doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân

Trong vài năm gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ nông nghiệp đã trực tiếp tham gia vào liên kết kiểu mới với cộng đồng nông dân. Có thể lấy ví dụ như công ty Cổ phần Hoàn Cầu, công ty TNHH nông dược HAI, công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã hợp tác chặt chẽ với công đồng nông dân tạo nên những cánh đồng lớn tại Tân Châu, Châu Thành và Thoại Sơn, tỉnh An Giang với tổng diện tích lên tới hơn 34 nghìn Ha vào năm 2014.

Các doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư, quy trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên thị trường; còn người nông dân vẫn sản xuất trên đất của mình và lợi nhuận đã tăng hơn 4 triệu đồng/Ha. Doanh nghiệp và nông dân đều có lợi ích phù hợp với nguồn lực bỏ ra, nhất là người nông dân thu lợi nhiều hơn trước khi hợp tác với doanh nghiệp.

Mô hình tương tự do công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy đã triển khai tại Lâm Đồng trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp đầu vào, thống nhất quy trình sản xuất và bảo đảm đầu ra gắn với thương hiệu doanh nghiệp; người nông dân vẫn trồng trọt trên đất của mình. Sản lượng trong mô hình liên kết này đã đạt tới mức 1 tỷ đồng/Ha.

Năm 2013, tôi đã phỏng vấn trực tiếp Giám đốc công ty Phong Thúy về tư duy và cách làm của họ. Giám đốc này đã nói rất thật "Tôi chỉ có ước muốn chứng minh với thế giới rằng người Việt Nam không kém so với nông dân các nước có nền nông nghiệp hiện đại và tôi đã xuất khẩu hoa Đà Lạt sang Hà Lan.

Đề làm việc này, cần đầu tư thật cơ bản về cây giống, quy trình sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao, xâm nhập trực tiếp thị trường nông sản gắn với thương hiệu của mình và cần đất đai càng rộng càng tốt, nhưng đừng bao giờ nghĩ tới việc lấy đất của nông dân, hãy để họ trực tiếp canh tác trên đất của mình và phải chứng minh được rằng nông dân sẽ thu lợi nhiều hơn khi hợp tác với mình, tất nhiên mình phải nắm bí quyết về công nghệ".

Câu trả lời này có quá nhiều ý nghĩa về việc làm gì để tạo được mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân, yếu tố pháp lý là một góc không lớn, yếu tố quyết định là làm gì để tạo được giá trị gia tăng trong nông sản mà người nông dân có đất và doanh nghiệp có bí quyết công nghệ, hai bên đều cần tới nhau.

Mô hình doanh nghiệp thuê đất và thuê lao động là nông dân tại chỗ

Một mô hình khác như doanh nghiệp thuê đất của nông dân và thuê lao động là nông dân tại chỗ để sản xuất theo công nghệ cao như một số doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài đã thực hiện tại nhiều tỉnh phía Nam trong giai đoạn đầu của thập kỷ 2000 như Lâm Đồng, Long An, v.v. Bí quyết công nghệ do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, doanh nghiệp Việt liên doanh không được biết và người lao động cũng không được biết.

Theo mô hình này, người nông dân cũng đạt được thu nhập cao hơn so với trước khi cho thuê đất. Rủi ro chủ yếu là giá thuê đất thường tăng lên theo thời gian mà hợp đồng cho thuê đất xác định giá cố định tại năm đầu ký hợp đồng cho cả vài chục năm. Như vậy, sau khoảng dăm năm thì người nông dân lại thấy mình bị thiệt hại vì giá cho thuê đất thấp hơn so với giá thị trường.

Thực tế này cho thấy phương thức ký hợp đồng thuê đất cũng cần điều chỉnh lại sao cho giá thuê đất được xem xét và thống nhất lại theo từng giai đoạn 5 năm (giống như phương thức Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất).

Tất nhiên thỏa thuận lại giá thuê đất theo quan hệ dân sự có thể lại tạo rủi ro nhiều hơn cho doanh nghiệp. Đây cũng là một nhược điểm đáng kể của mô hình này, dễ làm hỏng mối liên kết cần phải bền vững.

Năm 2013, UBND thành phố Phủ Lý đã thực hiện chỉ đạo tích tụ ruộng đất tại xã Phù Vân cho công ty Cổ phần An Phú Hưng liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản dưới dạng thuê đất triển khai trồng thí điểm 2 Ha đậu bắp theo công nghệ mới, doanh nghiệp thuê trực tiếp lao động là nông dân tại chỗ.

Mô hình được đánh giá là thành công bước đầu. UBND tỉnh Hà Nam đang tiếp tục chỉ đạo huyện Lý Nhân tiếp tục thực hiện theo mô hình này.

Ngoài rủi ro nhìn trước về tiền thuê đất sẽ tăng lên theo thời gian như trên đã nói, còn một rủi ro nữa là sự can thiệp của chính quyền tới mức nào là phù hợp. Chính quyền chỉ vận động người dân thực hiện tích tụ đất đai theo mô hình và cam đoan việc bảo vệ quyền lợi của nông dân. Quá trình vận động có thể thông qua Mặt trận Tổ quốc và Hội Nông dân ở cơ sở. Không thể có bất kỳ một quyết định hành chính nào ở đây để tránh xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ chuyển thành xung đột hành chính giữa chính quyền và nông dân.

Nói chung, mô hình này cũng có thể nhân rộng vì cũng vẫn giữ được nguyên tắc đất vẫn thuộc nông dân, lợi ích của nông dân được bảo đảm từ tiền cho thuê đất và tiền trả công lao động của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, cần nhìn trước và tránh được các rủi ro đã nói trên.

Mô hình nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp

Nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp và doanh nghiệp thuê lao động là lực lượng nông dân góp vốn đã được triển khai thí điểm tại Sơn La vào những năm đầu của thập kỷ này. Bên doanh nghiệp là Tập đoàn Cao su Việt Nam, bên góp vốn là nông dân vùng núi của Sơn La.

Một đặc điểm đáng lưu ý là chính quyền địa phương là người đạo diễn chính bằng các quyết định hành chính, kể cả việc định giá đất, cơ chế góp vốn, lợi ích các bên, v.v. Nói cách khác, mô hình liên kết sản xuất này đang được tác động bởi những nguyên tắc của kinh tế bao cấp của Nhà nước.

Ngày 18/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tất nhiên, sự can thiệp của chính quyền mà mang lại lợi ích kinh tế thực sự cho các bên thì mọi việc sẽ tốt lành. Điều này không thể chắc chắn khi giá cao su trên thị trường thế giới đang giảm mạnh. Người nông dân có thể bị thiệt hại khi bị phân chia lỗ từ kinh doanh, lúc này ai sẽ chịu trách nhiệm: chính quyền hay doanh nghiệp. Đây là rủi ro rất lớn, rủi ro thuần túy từ cơ chế góp vốn mà người nông dân luôn ở thế bị động.

Ngoài ra, còn một rủi ro nữa quan trọng hơn là rủi ro tham nhũng của doanh nghiệp khi người nông dân góp vốn không có cách nào để kiểm soát lợi nhuận thực thu được từ kinh doanh. Nhược điểm chính của mô hình này là không bảo đảm chắc chắn được lợi ích cho người nông dân góp vốn, doanh nghiệp luôn được cầm chuôi dao và người nông dân phải cầm lưỡi dao.

Trên thực tế, mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân bằng phương thức góp vốn trồng cao su ở Sơn La mới đang trong giai đoạn 7 năm kiến thiết cơ bản, chưa bước vào khai thác kinh doanh. Cơm vẫn còn lành và canh vẫn còn ngọt. Đến giai đoạn khai thác kinh doanh mà thấy lỗ thì bi kịch mới xẩy ra.

Trong khảo sát, điều tra thực tế của một số tổ chức như Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn (IPSARD) hay Tổ chức Phi chính phủ quốc tế Oxfam đã cho thấy mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân vào kinh doanh với doanh nghiệp khó mang lại lợi ích cho nông dân, thậm chí đã có nhận định có thể thất bại.

Khi chính quyền áp đặt hành chính khá mạnh mẽ theo kiểu bao cấp thì rủi ro kinh tế xuất hiện khá mạnh, nhất là khi chính quyền chung nhóm lợi ích với doanh nghiệp.

Mời quí vị đón đọc kỳ 3: "Chúng tôi không xin tiền, chỉ xin cơ chế"

Tác giả bài viết: Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP