Trong bài phát biểu tại buổi họp báo chung tối 10/9 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhấn mạnh rằng: "Hai bên sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn".
Những cam kết của Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm vừa qua cộng với việc Mỹ ban hành đạo luật chip đã có tác động rõ rệt đến các quốc gia Đông Nam Á và mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới.
Không đứng ngoài cuộc, TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng có nhiều hoạt động xúc tiến, tìm hiểu và thu hút đầu tư đối với ngành sản xuất chip bán dẫn.
Chuẩn bị nguồn lao động
Theo thống kê, riêng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc, trong đó Đà Nẵng chỉ chiếm tỷ lệ 7%. Các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch lớn, có thể kể đến đó là: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPTsemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng.
Ông Michael Lương, Giám đốc dự án Công ty Phát Triển Giải Pháp Năng Lượng Sạch Asia Clean Capital Vietnam (ACCV), cựu Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Công ty Intel Hoa Kỳ cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp là nguồn nhân lực. Nhìn chung, vẫn còn nhiều sinh viên thiếu kỹ năng thực tế cũng như khả năng ngoại ngữ còn hạn chế, do đó, chương trình thực tập tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao là rất quan trọng.
"Với lợi thế về nguồn nhân lực đến từ Đại học Đà Nẵng, tôi hy vọng nhà máy tiếp theo về công nghệ bán dẫn của Intel sẽ tọa lạc tại Đà Nẵng. Để làm được điều này, chính quyền Đà Nẵng cần hỗ trợ đầy đủ từ chính sách đến các vấn đề ưu đãi khác", ông Michael Lương nói.
TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng có nhiều hoạt động xúc tiến, tìm hiểu và thu hút đầu tư đối với ngành sản xuất chip bán dẫn. Ảnh: T.V. |
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực, Đà Nẵng cần tăng cường hợp tác, kết nối với các trường đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn hàng đầu trong khu vực và trên thế giới; xây dựng những chương trình đào tạo tiệm cận nhất với thế giới; có những cơ chế ưu đãi để mời gọi chuyên gia trong lĩnh vực này từ khắp nơi trên thế giới gắn bó với địa phương.
"FPT cam kết đào tạo khoảng 15.000 nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, trong đó, dự kiến sẽ đào tạo khoảng 10.000 nhân lực ở Đà Nẵng, sau đó nâng dần lên qua các năm", ông Bình nói.
PGS.TS Phạm Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết, trong định hướng ngắn hạn (từ 6 tháng đến 2 năm), trường sẽ cử giảng viên tham gia các khóa học chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn để bổ sung vào đội ngũ.
Cùng với đó, Trường Đại học Bách khoa cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các chuyên gia xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao năng lực cho sinh viên, cải tiến các chương trình hiện có.
"Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa sẽ mở mới chuyên ngành Vi điện tử đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, cung cấp 60 - 100 nhân lực chuyên sâu mỗi năm, có thể thích ứng nhanh sau khi được tuyển dụng. Đặc biệt, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp bán dẫn hỗ trợ chi phí để sinh viên cam kết làm việc cho doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp", PGS.TS Phạm Hồng Hải cho hay.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: T.V. |
Hành động từ chính quyền
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột, trong đó công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số được ưu tiên. Đây cũng sẽ là hướng đột phá của thành phố trong thời gian tới và thành phố đang xúc tiến các hoạt động gặp gỡ với các đơn vị, tập đoàn về các lĩnh vực này.
Thành phố sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại… Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Đà Nẵng |
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã và đang tập trung triển khai có hiệu quả các hoạt động, giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư. Trong đó, thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án động lực, trọng điểm mang tính động lực, đảm bảo tính đồng bộ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
"Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và quy hoạch, đất đai theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Tập trung nghiên cứu cơ chế huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; ban hành các cơ chế chính sách đặc thù mới để tạo động lực xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị", ông Minh cho hay.
Ông Minh cho biết thêm, thành phố sẽ rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh khơi thông nguồn lực; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất đai.
"Thành phố sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại… Mở rộng kết nối thị trường trong nước và ngoài nước; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của thành phố, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghệ lần thứ tư", ông Minh nói.
Để chuẩn bị cho ngành chip bán dẫn, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đề nghị UBND thành phố triển khai xây dựng "Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn TP. Đà Nẵng"; đồng thời, thành lập "Tổ công tác, tham mưu liên ngành" xây dựng Đề án và nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo thành phố xem xét, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả.
Ông Quảng còn yêu cầu, nghiên cứu, bổ sung thêm lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố; thu hút chuyên gia có kinh nghiệm đến TP. Đà Nẵng (làm việc ngắn hạn hoặc sự kiện, hội thảo,..) để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm.
"Thành phố cũng cần đưa nội dung vi mạch, bán dẫn vào chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế, bắt đầu ngay từ năm 2024; phải quyết tâm thu hút các doanh nghiệp trên lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn, đóng gói và kiểm thử đầu tư vào Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cần khảo sát, rà soát toàn diện các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn hiện có để có chính sách hỗ trợ phù hợp", Bí thư Đà Nẵng nêu.
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn