Tin địa phương

Khơi thông dòng vốn ngoại vào Đà Nẵng - Bài 1: Đã qua thời hoàng kim?

NhàđầutưNhững năm gần đây, dòng vốn ngoại vào TP. Đà Nẵng đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là số dự án lớn chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

LTS: Trong thời gian dài, TP. Đà Nẵng luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Điều này nhờ lợi thế về vị trí địa lý; môi trường đầu tư thông thoáng và sự đồng hành của chính quyền thành phố.

Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, trước những biến động của tình hình trong và ngoài nước khiến thu hút FDI vào TP. Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại. Trong bối cảnh mới, TP. Đà Nẵng đang nỗ lực kiến tạo nên các lợi thế mới nhằm khôi phục sức hút, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhadautu.vn thực hiện 4 bài viết phân tích những xu hướng, thách thức tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng, đồng thời đề xuất những giải pháp phù hợp với bối cảnh và xu hướng đầu tư mới.

Vắng bóng dự án lớn

Khi đại dịch COVID-19 chưa bùng nổ, với những ưu thế từ vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường đầu tư thuận lợi… đã giúp cho Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố thu hút được 530 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới hơn 1,045 tỷ USD. Cùng với đó, có 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 144,5 triệu USD; có 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị là 211,8 triệu USD.

Các dự án cấp mới trong giai đoạn này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao… theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều dự án mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất, tăng vốn đầu tư… góp phần cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tuy nhiên, sau giai đoạn hoàng kim đó, thu hút FDI bắt đầu có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là những dự án FDI lớn "cập bến" vào TP. Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, các dự án trăm triệu USD trở lên có xu hướng chọn những địa phương khác.


Số liệu từ Cục Thống kê Đà Nẵng, năm 2021, tổng số dự án FDI đăng ký cấp mới là 39 dự án, với số vốn đăng ký hơn 149 triệu USD; có 18 dự án đăng ký điều chỉnh vốn trong năm 2021 với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm là 30,1 triệu USD; có 49 lượt nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp đạt 11,45 triệu USD. Tính chung tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021 hơn 191 triệu USD.

Sang năm 2022, toàn thành phố có 50 dự án FDI cấp mới chứng nhận, mặc dù tăng về số dự án nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt hơn 70 triệu USD; có 53 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 58,51 triệu USD; 38 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 6,58 triệu USD. Cả năm 2022, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 135,3 triệu USD.

Dự báo trong 3 tháng cuối năm 2023, thu hút FDI Đà Nẵng sẽ tiếp tục khởi sắc, bởi có nhiều nhà đầu tư đã đăng ký sẽ tham gia đấu giá các lô đất của thành phố. Thành phố cố gắng trong 3 tháng cuối năm sẽ thu hút đầu tư thêm hơn 200 triệu USD.

Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng

Trong 10 tháng năm 2023, kết quả thu hút vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng đã có những khởi sắc trở lại. Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến 15/10, TP. Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án nằm ngoài khu công nghiệp và khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư gần 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, chỉ thu hút được 1.329 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 37,5% so với cùng kỳ 2022.

Riêng với thu hút dự án đầu tư vốn FDI, tính đến 15/10, TP. Đà Nẵng đã thu hút được 176,835 triệu USD, đạt 135% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, nổi bật là khu công nghệ cao thành phố thu hút được một dự án sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD.

Trong 10 tháng năm 2023, kết quả thu hút vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng đã có những khởi sắc trở lại. Ảnh: T.V.


Thu hút FDI chưa như mong muốn

Có thể thấy, TP. Đà Nẵng vẫn đang trong TOP đầu trong khu vực về thu hút FDI nhưng không còn lợi thế nổi bật so với các địa phương khác; đặc biệt là số dự án đầu tư mới tăng nhưng quy mô dự án và vốn đầu tư ngày càng nhỏ.

Một số lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, logistic và một số ngành dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục chất lượng cao… vẫn chưa thu hút được các đối tác FDI lớn như mong muốn.

Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư miền Trung - Cục Đầu tư nước ngoài

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư miền Trung - Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận, 10 tháng năm 2023, xét về số lượng dự án, TP. Đà Nẵng đã thu hút được hơn 90 dự án, xếp thứ nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, xếp thứ 6 cả nước. Đa số dự án tập trung vào lĩnh vực du lịch - nhà hàng, công nghệ thông tin đây cũng là thế mạnh của thành phố, song vốn đăng ký mỏng, lao động ít.

"Một số lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, logistic và một số ngành dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục chất lượng cao… vẫn chưa thu hút được các đối tác FDI lớn như mong muốn, chưa tương xứng với nhiều tiềm năng, lợi thế vốn có của Đà Nẵng", ông Dương nhận định.

Theo ông Dương, xu hướng FDI trong những năm gần đây trên toàn cầu và khu vực có sự suy giảm đáng kể do dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga - Ucraina và nhiều nguyên nhân khác. Không riêng TP. Đà Nẵng, đầu tư trực tiếp nước ngoài có suy giảm đáng kể ở rất nhiều địa phương.

Tuy nhiên, ông Dương cũng thẳng thắng chỉ ra những hạn chế trong thu hút đầu tư FDI ở Đà Nẵng. Theo ông Dương, không ít cán bộ, cơ quan ban ngành có biểu hiện trì trệ, sợ sai, ngại tham mưu, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành khi cần giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đôi khi chưa kịp thời.

Nhiều khu công nghiệp ở Đà Nẵng đã được lấp đầy. Ảnh: T.V.

Đồng thời, ngành công nghiệp hỗ trợ tại thành phố quy mô nhỏ, trình độ công nghệ chủ yếu mức trung bình chưa tương xứng với yêu cầu, tiềm năng và lợi thế vốn có. Liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn khá hạn chế.

Việc liên kết, hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước mới dừng lại ở một số liên kết cung ứng bao bì, phụ kiện đơn giản; hầu như chưa có hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ ở các khâu có yêu cầu công nghệ - kỹ thuật cao.

Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng

Ông Dương cho biết thêm, hiện nay thành phố đang thiếu quỹ đất sạch tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Một số các khu công nghiệp có thời hạn sử dụng đất còn rất ngắn, điều này làm các nhà đầu tư FDI không mặn mà, mặc dù pháp luật vẫn cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án...

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng nhìn nhận, hầu hết các khu công nghiệp chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn nặng về gia công, lắp ráp, chế biến thô; chưa hình thành chuỗi liên doanh, liên kết, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Quy định pháp luật chưa đồng bộ, dẫn đến cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất tại Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp phát sinh tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để dành phần, chuyển nhượng, cho thuê lại kiếm lợi", ông Tiến nói.

Tác giả: THÀNH VÂN

Nguồn tin: nhadautu.vn

  Từ khóa: dòng vốn ngoại , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP