Kinh tế

Khởi nghiệp 0 đồng từ sáo trúc

Cái tên “Mão mèo” gắn liền với sáo trúc và trở thành một thương hiệu không chỉ được ưa chuộng trong nước mà đã có mặt ở gần 20 nước trên thế giới… Với những điểm sáng trong kinh doanh và những đóng góp về việc gìn giữ, phát triển nghệ thuật dân tộc, ngày 7-1 vừa qua Nguyễn văn Mão đã vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời gặp mặt.

sao


Truyền lửa đam mê

Sinh năm 1987 tại mảnh đất vùng cao huyện Tân Kỳ, Nghệ An, ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Mão (Mão mèo) đã say mê với tiếng sáo. Năm Mão lên 8 tuổi, những tiếng sáo trúc réo rắt như gieo vào lòng người của người cha đã khiến cậu bị cuốn hút. Dưới sự hướng dẫn của cha, Mão bắt đầu những bài tập vỡ lòng với cây sáo đầu đời. Tình yêu với sáo và kỹ thuật của Mão ngày càng tiến bộ theo năm tháng. Mão nhận ra đây thực sự là niềm đam mê lớn nhất của đời mình. Tiếng sáo theo anh suốt những năm tháng của tuổi trẻ. Đến khi trở thành sinh viên, cây sáo trúc thân thương vẫn theo anh đến giảng đường.

Ngày còn học ở trường Đại học Sư phạm Vinh - Nghệ An, niềm đam mê của Mão vẫn chưa có cơ hội phát triển. Sau 2 năm học tại trường Đại học Sư phạm Vinh, Mão thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ra Thủ đô học, Mão có điều kiện tiếp xúc với phong trào chơi sáo của các bạn sinh viên trong các trường đại học. Cũng trong thời gian sinh này, Mão đã nảy ra ý tưởng gắn kết các CLB sáo trúc với nhau, để tạo thành một cộng đồng, một phong trào các bạn trẻ chơi sáo.

Năm 2011, trang web saotruc.vn do Mão thành lập trở thành địa chỉ tin cậy dành cho các bạn trẻ yêu sáo giao lưu, học hỏi. Từ chỗ là chủ nhiệm CLB sáo trúc Hà Nội, rồi đến chủ nhiệm CLB sáo trúc Miền Bắc và giờ Mão hiện là chủ nhiệm CLB sáo trúc Việt Nam với số lượng thành viên cố định lên đến 40.000 - 50.000 người. Mão cũng sở hữu một kênh Youtube với số lượng đăng ký lên tới 60.000 người.

Sự đam mê cũng thúc đẩy anh “truyền lửa” cho mọi người xung quanh, đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ. Các câu lạc bộ sáo tại các trường có số lượng thành viên đông sẽ được anh tài trợ một bộ loa kéo phục vụ cho việc luyện tập, các bạn sinh viên yêu sáo cũng sẽ được hỗ trợ với một mức giá hợp lý để sở hữu một cây sáo tốt.

Trung thành với sản xuất thủ công

Mão vẫn hay nói vui rằng, mình khởi nghiệp với 0 đồng. Chia sẻ về hoạt động kinh doanh sáo trúc, Mão cho biết: “Đó cũng như một cái duyên. Từ ngày còn là sinh viên, tôi hay mày mò tự làm những cây sáo trúc rồi mang tặng bạn bè, nhiều người khuyên tôi nên bán sáo, không lấy lãi thì cũng nên lấy tiền nguyên vật liệu và tiền công”.

Tình cờ là những clip thổi sáo Mão đăng trên Youtube cũng có nhiều người vào hỏi “cây sáo đang thổi mua ở đâu?”. Thế là Mão quyết định làm sáo bán với số lượng ít giá chỉ 50.000 đồng/cây, khi ấy anh đang là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Kiến trúc Hà Nội. Đây cũng là thời điểm anh thành lập diễn đàn saotruc.vn. Mão đã đăng nhiều thông tin, bài viết chia sẻ các kiến thức, kỹ thuật chơi sáo lên diễn đàn, thậm chí là cả kỹ thuật chế tạo sáo… Những chia sẻ tâm huyết của Mão tạo nên sự tin tưởng đặc biệt của những người yêu sáo.

Đến năm 2012, công việc kinh doanh sáo trúc của Mão phát triển mạnh hơn. Trung bình mỗi ngày Mão bán được khoảng 4-5 cây, với đơn giá mỗi cây lúc đó là 150.000 đồng. Công việc bán sáo mang lại cho Mão thu nhập 20-30 triệu/tháng. Lúc này Mão mới quyết định sẽ kinh doanh sáo. Lúc nhận bằng tốt nghiệp cũng là lúc đánh dấu thương hiệu Sáo trúc Mão mèo ra đời sau khi anh đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Năm 2013, sau khi tích lũy được số vốn nhất định sau thời gian bán hàng qua mạng và cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho những người yêu sáo tìm mua, anh mở cửa hàng sáo trúc đầu tiên tại Hà Nội. Sau gần 4 năm, Mão đã có trong tay hệ thống 23 cửa hàng bán sáo trúc trải dài từ Bắc vào Nam. Mão chia sẻ, anh có đội ngũ nhân viên lên tới gần 100 người, trong đó có 20 thợ chính làm sáo được đào tạo bài bản và có chuyên môn về nhạc lý.

Hiện nay, công nghệ cho phép Mão có thể sản xuất số lượng sáo rất lớn trong một ngày, nhưng anh cho rằng, cây sáo cũng có tâm hồn, một cây sáo làm từ máy sẽ chỉ phát ra những âm thanh không cảm xúc. Chính vì thế, Mão vẫn trung thành với phương pháp làm hoàn toàn thủ công, trau chuốt và tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất từ chọn trúc cho đến đục lỗ.

Mang sáo trúc ra thế giới

Lúc mới khởi nghiệp, Mão cũng gặp phải những khó khăn nhất định, trong đó khó khăn lớn nhất mà anh đối mặt đó là nguồn nguyên liệu. Để tìm được những thanh trúc, nứa tốt nhất, mỗi tuần Mão đều phải tự mình đi xe máy xuống làng nghề Gia Bình (Bắc Ninh) để tự tay lựa chọn, mỗi lần đi như thế cũng chỉ chọn được khoảng 50 cây.

“Nhu cầu lớn nhưng nguồn nguyên liệu không có nhiều nên thời gian đầu cũng khá vất vả để tìm nguyên vật liệu” - Mão cho biết thêm. Không chỉ khó khăn về nguyên liệu, những hạn chế về kỹ thuật làm sáo cũng là một bước cản lớn. “Sáo truyền thống Việt Nam có 12 loại nhưng mình chỉ biết duy nhất loại sáo tông Đô, đi hỏi các chỗ làm sáo thì không ai chia sẻ nên mình chỉ còn cách đến nhà các nghệ sĩ sáo rồi tìm cách đo đạc kích cỡ, khoảng cách các nốt của từng cây sáo”, anh bồi hồi nhớ lại.

Tháng 11 - 2016, thương hiệu Sáo trúc Mão mèo đã được vinh danh là thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2016 do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Hội Liên hiệp Khoa học công nghệ Việt Nam trao tặng. Với những điểm sáng trong kinh doanh và những đóng góp về việc gìn giữ, phát triển nghệ thuật dân tộc, ngày 7-1 vừa qua Nguyễn Văn Mão đã vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời gặp mặt. Chủ tịch nước đã động viên, khích lệ Mão cố gắng hơn nữa để gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Không chỉ được tin dùng trong nước, những cây sáo trúc mang thương hiệu Mão mèo đã bắt đầu đặt chân ra thị trường thế giới. Hiện sáo trúc Mão mèo đã đến với hơn 20 nước, nhiều nhất là Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản. Anh cho biết, khách hàng phần lớn là các Việt Kiều và một số nhỏ khách nước ngoài.

Hiện tại, mỗi ngày Sáo trúc Mão mèo bán ra thị trường khoảng 200 cây sáo. “Mình không quan trọng số lượng mà quan trọng chất lượng, sáo có tốt âm thanh mới hay, người dùng mới càng say mê yêu thích. Chính vì thế mình đòi hỏi rất cao đối với mỗi sản phẩm”, Mão chia sẻ.

Mão mèo cũng là chủ sở hữu cây sáo được ghi vào Sách kỷ lục Việt Nam năm 2013 với chiều dài 2,03m, đây là cây sáo lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.

Tác giả bài viết: Phú Khánh - Ánh Ngọc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP