Cuộc sống tạm bợ trong hàng chục năm qua của người dân vùng DA Ga Đường sắt Đà Nẵng. Ảnh: NP |
15 năm chờ đợi…
Anh Võ Huỳnh Nhất Phương, cán bộ Văn phòng UBND phường Hòa Khánh Nam đưa chúng tôi xuống khối phố Chơn Tâm 1B7 (gồm 3 tổ dân phố 16, 17, 18), với 320 hộ dân có nhà ở nằm trong DA quy hoạch Ga Đà Nẵng mới.
Trong ngôi nhà cấp 4 xềnh xoàng, ông Nguyễn Nhi, Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố nói thẳng: “Đấy các anh xem, ví như gia đình tôi có cả thảy 11 người, gồm 2 vợ chồng già, 3 cặp vợ chồng hai đứa con gái, 1 thằng con trai cùng cháu nội, ngoại... 15 năm nay sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 100m2. Tổng diện tích đất của tôi là 870m2, nhưng không thể tách thửa, tách hộ khẩu cho con cái xây nhà được... Toàn phường có 19 tổ dân phố nằm trong DA hầu như sinh sống đồng cảnh như gia đình tôi”.
Hình như đã quen với cảnh sống tạm bợ này, ông Nhi chẳng buồn cho biết thêm, hệ thống đường dây điện sinh hoạt thì xuống cấp, chằng chịt dây nhợ treo trên các cây trụ tạm; đã xảy ra chập điện nhưng rất may không thiệt hại về người.
Còn nước sinh hoạt, cách đây 15 năm, hệ thống đường ống chỉ đảm bảo cung cấp cho hơn 400 hộ dân lúc đó, hiện tại đã tăng lên hơn 2.000 hộ dân, thành ra vào mùa nắng thiếu nước liên tục. Muốn có đủ nước dùng ban đêm phải hứng đầy các xô chậu hoặc đành dùng giếng đóng, giếng đào bị ô nhiễm nặng...
Đáng sợ nhất là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Gần như các khu dân cư ở đây không có hệ thống cống rãnh thoát nước, cứ tự đào để nước thoát ra khu vực trũng thấp xung quanh, hình thành và sinh sôi các ổ ruồi, muỗi gây nên dịch bệnh...
Chỉ cần một cơn nước giông nhỏ thôi, là đủ lượng nước ngấm từ các khu đồi cao sau lưng đổ về gây ngập đường sá, nhà cửa suốt ngày đêm. Khủng khiếp nhất là vào mùa mưa, nhiều đường kiệt, hẻm nhỏ bị ứ đọng nước, trộn lẫn nước thải, phân bò, gà; kể cả hầm cầu vệ sinh nổi lềnh bềnh bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chúng tôi sang một con hẻm nằm bên rãnh nước thải lộ thiên đen ngòm vào nhà của bà Trương Thị Tịnh. Bà Tịnh đã ngoài 60 tuổi, không có chồng, thuộc hộ nghèo đang ở trong ngôi nhà lợp tôn chỉ chừng 40m2. Chỉ tay lên mái tôn rỉ rách không che được bầu trời, bà Tịnh phân trần, muốn sửa lại nhà lắm, nhưng không biết lấy tiền đâu mà sửa chữa. “Mà có tiền cũng chẳng dám sửa kỹ hay nâng cấp vì chính quyền không cho phép...”, bà Tịnh nói thêm.
Chúng tôi vượt lên một con dốc đường đồi thuộc tổ dân cư 15. Tại đây, vài chục ngôi nhà lụp xụp dưới chân khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ xen lẫn cỏ lau mọc lút người. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người dân cho biết, khu dân cư này đã có từ lâu, nhiều hộ sống trên 10 năm. Những ngày mưa, nước từ các khu mồ mả, rác rưởi chảy tràn cả vào nhà cửa, biết là bất an về vệ sinh môi trường nhưng phải đành chấp nhận dọn dẹp mà có nơi ngả lưng sau ngày lao động mệt nhọc...
Từ những bức xúc của người dân, phản ánh của cử tri tại các kỳ họp tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND TP và quận Liên Chiểu, UBND TP đã ban hành chính sách nhằm tháo gỡ tạm thời những vướng mắc, khó khăn cho người dân. Trong đó, cho phép sửa nhà tạm, đổ gác lửng với diện tích không quá 50m2 đất, được tách thửa đất một lần... nhưng phải cam kết không nhận tiền đền bù khi bị giải tỏa.
Từ cuối năm 2017, TP tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngừng việc cơi nới xây dựng tại khu vực DA này.
Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, theo thống kê của UBND phường mới đây, trong khu vực DA ga đường sắt, tại 19 tổ dân phố có 2.025 hồ sơ nhà đất và chỉ có 924 hồ sơ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1.014 hồ sơ chưa cấp giấy và 87 hồ sơ chưa kê khai.
Có người bảo: “Liên Chiểu được xem là địa bàn khá phức tạp về tình trạng xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép, mà nóng nhất là ở Hòa Khánh Nam, trong vùng quy hoạch DA ga đường sắt mới”.
Nói vậy, nhưng xuống dưới dân mới thấy hết cảnh cơ hàn, khổ ải của họ. Vì bức xúc chỗ ở cũng như nhu cầu cấp thiết về cuộc sống, người dân mới tự xây dựng, cơi nới nhà cửa... Thử hỏi, một DA “treo” đến mười mấy năm ròng ai chịu nổi?
Khó… vì vốn
Được biết, vị trí di dời Ga Đà Nẵng được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP Đà Nẵng xác định đặt trên địa phận phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam, với tổng diện tích 95,4ha.
Để di dời Ga Đà Nẵng về vị trí mới kèm với đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần kinh phí khoảng 5.760 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 11/2017, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về chủ trương, hình thức và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại DA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc sử dụng vốn đầu tư công cho công trình trong giai đoạn 2016 - 2020 là không khả thi, vì nguồn vốn đầu tư công, bao gồm ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn này đã được phân bổ hết và chưa có chủ trương sử dụng vốn dự phòng.
Bên cạnh đó, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, chưa được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương, nên không có căn cứ để bố trí vốn cho DA Ga Đường sắt Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể với lãnh đạo TP ngày 2/3/2018 về các DA lớn của Đà Nẵng, đã nêu về việc di dời ga đường sắt. Bộ trưởng đồng ý với ý kiến của Đà Nẵng vì 15 năm qua chưa di dời được Ga Đường sắt Đà Nẵng do chưa có kinh phí.
Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh, muốn di dời ga đường sắt cũng phải xem xét tổng thể việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam để tránh chồng chéo...
Thành ra, câu chuyện về DA Ga Đà Nẵng còn phải có lộ trình và không biết đến bao giờ mới xong. Người dân vùng DA Ga Đường sắt Đà Nẵng vẫn “dài cổ” đợi chờ và “khóc ròng”, cám cảnh với cuộc sống hiện tại.
Tác giả: Ngọc Phó
Nguồn tin: Báo Thanh tra