Cuộc sống

Khổ nhục kế đòi tiền của những bà vợ có chồng 'vắt cổ chày ra nước'

Muốn sắm máy giặt nhưng chồng không đưa tiền, Hoài cứ đợi nhà có khách thì khệ nệ bê chậu đồ từ nhà tắm lên gác phơi.


"Trời đất ơi, thời nào rồi mà còn giặt tay cả chậu quần áo to thế, sắm cái máy giặt đi!", anh bạn thân của chồng thốt lên khi gặp Hoài khệ nệ bê đồ lên ban công tầng 2 phơi. Thấy mặt chồng khi ấy có vẻ hơi ngại và cố đánh trống lảng, Hoài (Bắc Ninh) biết phải tận dụng cơ hội này để bắt anh xã bỏ tiền mua máy giặt.

Chồng sửa chữa xe máy tại nhà, Hoài là giáo viên mầm non. "Anh ấy làm ra tiền nhưng chi cho gia đình rất tủn mủn, thỉnh thoảng chỉ đưa vợ vài trăm mua đồ ăn. Tôi muốn sắm cái máy giặt thì chồng gàn bảo tranh thủ làm tí là xong, mua máy về giặt vừa không sạch, vừa tốn điện, tốn nước", Hoài kể.

Sau vài lần áp dụng chiêu khổ, Hoài đã được chồng chi cho 5 triệu mua máy giặt. "Anh ấy tính sĩ diện nên ngại người ngoài nói. Mình có năn nỉ mãi cũng không tác dụng", bà mẹ một con 28 tuổi giải thích.

Hoài cũng áp dụng cách này vào nhiều dịp khác như cứ khi có khách đang sửa xe hay chơi ở quán, cô lại giả lả bảo chồng "Anh cho em 200 đi đám cưới" hoặc "Con vừa hết sữa, bố cho mẹ vài đồng mua cho con loại tốt tốt tí"... "Đa số là chồng cho nhưng cũng có vài lần anh ấy lừ mắt chứ chẳng rút ví", Hoài kể.

Để chồng mua máy giặt, chị Hoài phải dùng kế cứ nhà có khách là mang quần áo ra giặt tay và đi phơi. Ảnh minh họa: Wiki.

Cũng có ông chồng lấy vợ rồi vẫn tưởng mình còn độc thân, chị Nhung (Từ Liêm, Hà Nội) phải vận dụng đủ chiêu để anh chịu góp tiền. "Tối qua vừa gọi điện nhờ cô giáo sáng mai nhắc bố cháu nộp tiền học cho con", chị nói.

Chị Nhung cho biết, chị giao cho chồng việc đóng học vì tất cả các khoản khác, từ tiền ăn uống, điện nước, hiếu hỉ... anh đều tìm cớ thoái thác, dù có lương hơn chục triệu. "Mình nhiều khi sốt ruột muốn nộp luôn cho xong, vì cũng chưa tới 2 triệu, nhưng lại cố kìm lại. Vấn đề không chỉ là đóng tiền tháng đó mà là trách nhiệm của chồng với gia đình, con cái", chị nói. Vậy là, khi thì chị rủ rỉ thằng con để nó lèo nhèo xin bố đóng sớm cho cô khỏi nêu tên, lúc lại phải phím trước cho cô giáo, nhờ nhắc. "Ít nhất là cũng hiệu quả được 3 tháng rồi", chị nói.

Một cách nữa ép chồng rút ví là mỗi lần cả nhà đi siêu thị, chị Nhung tranh thủ nhặt vài món thiết yếu như nước giặt, dầu ăn, mắm, gia vị... "Việc này tưởng dễ mà khó lắm. Phải căn mua tầm vài trăm thôi, đừng lên tới tiền triệu và đảm bảo không có món nào của riêng mình. Một, hai tháng mới nên thực hiện một lần", chị Nhung tiết lộ.

Áp dụng nhiều cách không ăn thua, chị Cúc (Đống Đa, Hà Nội) cuối cùng phải dùng tới "chuyện ấy" để chồng chịu xì tiền.

Chị Cúc kể, hồi mới lấy nhau, mỗi tháng, chồng chị - quản lý một xưởng sản xuất nhỏ - cũng đưa cho vợ vài triệu để chi tiêu. Tuy nhiên, sau đó, số tiền cứ hẻo dần với những lời giải thích kiểu như "làm ăn không được", "đang cần mua máy mới", "anh còn mỗi 50 nghìn đây"...

"Nhắc nhiều phát chán nhưng một mình tôi với đồng lương 8 triệu làm sao lo xuể cho nhà 4 miệng ăn, mà ly dị nói thì dễ chứ còn bao mối ràng buộc, nên phải cố nghĩ cách để ông ấy chịu chi", chị Cúc kể.

Biết chồng có ham muốn cao và tính keo, sợ bẩn nên chắc không bao giờ "bóc bánh trả tiền", chị Cúc ra điều kiện: Hằng tháng chồng phải nộp ít nhất 4 triệu, nếu không sẽ bị "cấm vận". "Tất nhiên là ông ấy cũng giãy nảy lên, bảo làm thế khác gì gái bao giá cao. Nhưng tôi cũng nói luôn 'làm gì ai thổi cơm chung mãi nhưng chẳng góp được lon gạo nào", chị kể. Cách này tạm thời hiệu quả bởi như chị nói, vài tháng nay anh xã đã nộp tiền cho vợ, dù có tháng chỉ được 2-3 triệu.

Có bà vợ còn buộc chồng phải nộp tiền mới thả "cấm vận" để ép chồng đóng góp kinh tế. Ảnh: Masterfile.

Bàn về các chiêu buộc chồng phải đóng góp kinh tế, chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Kim Xuân (Hà Nội), cho rằng, tùy hoàn cảnh gia đình và tính cách, trình độ của vợ, chồng mà có cách phù hợp với người này nhưng lại phản tác dụng với người khác. Dù vậy, theo bà, nhìn chung việc vợ phải dùng "kế" chồng mới chịu chi cho gia đình là hạ sách và về lâu dài sẽ ăn mòn tình cảm hai bên. Trong tình cảnh này, người vợ như chơi trò may rủi, phải trông chờ phản ứng của chồng và dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không còn được chia sẻ và tôn trọng...

Chuyên gia cho rằng, tốt nhất vợ chồng hãy ngồi với nhau nói chuyện một cách đàng hoàng về bài toán kinh tế. Người vợ có thể ghi chép cẩn thận các khoản chi hằng tháng để chồng xem, khéo léo yêu cầu chồng góp khoản nào đó. Khi người vợ chân thật, rõ ràng thì cũng sẽ hiểu rõ chồng thực lòng đối với gia đình ra sao và từ đó có sự chuẩn bị cho chính mình. Nếu người chồng trân trọng gia đình nhưng chỉ vì bản tính hơi hà tiện, họ sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm khi người vợ khéo léo khơi gợi, minh bạch các khoản, đưa ra yêu cầu cụ thể. Còn với người chầy bửa, chỉ biết bản thân thì chị em cũng cần có hướng đi riêng, chủ động lo cho cuộc sống của mình.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Tâm, giám đốc Công ty ứng dụng khoa học tâm lí Hồn Việt (TP HCM) cho rằng dùng chiêu trò chỉ xử lý phần ngọn chứ không giải quyết được gốc rễ với chồng không chịu đóng góp tài chính. Đặc biệt, chiêu dùng quan hệ tình dục "cấm vận" là con dao hai lưỡi. "Người đàn ông có thể cảm thấy 'chuyện ấy' như một cuộc đổi chác hơn là thể hiện tình yêu, sự gắn bó giữa vợ chồng. Nếu có đưa tiền cho vợ, họ cũng làm một cách miễn cưỡng chứ không nhận rõ được trách nhiệm làm chồng, làm cha", nhà tâm lý chia sẻ.

Theo bà Tâm, thực tế, vấn đề này cần phải giải quyết từ lúc cả hai chưa kết hôn. "Vì e ngại hay do giáo dục, nhiều người không hề đề cập tới tài chính khi yêu và muốn tiến tới hôn nhân trong khi đó lại là vấn đề cực kỳ quan trọng. Không biết thói quen xài tiền của người kia, chưa thống nhất với nhau về việc đóng góp, quản lý tài chính... là nguyên nhân gây mâu thuẫn, căng thẳng, thậm chí tan vỡ", bà Tâm nói.

Tác giả: Vương Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: cuộc sống , gia đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP