Mỗi khi vào đầu năm học là các em học sinh đều phải đóng các khoản tiền bắt buộc. Nào là tiền học phí, tiền bảo trợ học đường, tiền tăng tiết, tiền đồng phục, tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế (BHYT)... Bên cạnh những khoản tiền bắt buộc kia thì phụ huynh thường phản đối nhất là tiền bảo hiểm. Họ không “mặn mà” lắm với các loại bảo hiểm, nhất là BHYT. Bên cạnh đó, còn nhiều phụ huynh kinh tế khó khăn nên cũng không có khả năng tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, hiện nay BHYT lại đưa vào vào chỉ tiêu thi đua bắt buộc trong nhà trường. Đây là một trong những tiêu chí để xếp loại thi đua trong trường học. Nếu trường không đạt 100% BHYT thì không được xếp loại Tập thể lao động xuất sắc. Từ đây kéo theo rất nhiều hệ lụy. Do đó ban giám hiệu muốn đạt chỉ tiêu lại "buộc" giáo viên chủ nhiệm phải thu. Mọi nỗi khổ lại đổ lên đầu giáo viên.
Nếu như ở các trường thị trấn, thành phố, thị xã thì việc thu nộp còn đỡ. Bởi dù sao kinh tế phụ huynh cũng khá hơn. Còn các trường học vùng nông thôn thì khổ vô cùng. Phụ huynh đa số có mức thu nhập thấp. Họ không có khả năng để đóng hết các khoản, nhất là các loại BHYT. Mặc dù mức đóng này đã được trợ giá (chỉ còn 491.500 đồng). Thế nhưng không phải ai cũng có khả năng tham gia.
Việc đưa BHYT vào chỉ tiêu bắt buộc thì chỉ khổ giáo viên chủ nhiệm. Hàng ngày lên lớp đầu giờ thầy cô lại phải dành ra ít phút để nhắc nhở các em. Có em bảo thầy cô giáo rằng "Sao lần nào gặp em cô cũng đòi tiền vậy?", hay "Em có nợ tiền cô đâu mà cô cứ nhắc suốt"... Vậy là tự nhiên thầy cô trở thành người đi đòi nợ. Đôi khi vì chỉ tiêu mà thầy cô đành ''muối mặt" điện cho phụ huynh để thuyết phục họ tham gia. Có không ít thầy cô cảm thấy bất mãn với việc này. Nhưng nếu phản đối thì họ lại được nghe những câu kiểu như “thầy cô thông cảm, chúng tôi cũng khổ lắm”...
Cuối cùng thì giáo viên chủ nhiệm đành ngậm ngùi làm cho xong. Có không thầy cô còn rút tiền túi để mua cho đủ chỉ tiêu. Thành thử họ rất sợ phải làm công tác chủ nhiệm.
Thiết nghĩ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cứ làm tốt nhiệm vụ của mình đi. Làm tốt tất yếu người dân sẽ tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, nhà trường có thể bỏ cái chỉ tiêu thi đua này đi được không? Có như vậy giáo viên chúng tôi mới bớt khổ.
Tác giả: Trần Thị Loát
Nguồn tin: Báo Dân trí