Kinh tế

Khó có cửa “giải cứu” cho Taxi Mai Linh, đại gia Hồ Huy tuyệt vọng?

Theo quy định, doanh nghiệp buộc phải đóng đầy đủ nợ bảo hiểm và tiền lãi do việc chậm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã kiến nghị xem xét khoanh nợ đóng BHXH và miễn tiền lãi chậm đóng BHXH do khó khăn về tài chính…

Thua lỗ nghiêm trọng do không cạnh tranh nổi với Uber, Grab, đại gia Hồ Huy phải cầu cứu các bộ, ngành xử lý khó khăn

Chưa có cơ sở để “giải cứu”

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đã có văn bản “cầu cứu” đến Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam liên quan tới những khó khăn của tập đoàn.

Tính đến 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Mai Linh là trên 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.

Theo đó, Mai Linh đã kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 tháng, mỗi tháng 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.

Trong quá trình trả nợ gốc Mai Linh mong BHXH Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho 24.000 lao động.

Trao đổi với Dân Trí, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cho biết cơ quan này đã nhận được kiến nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh. Ngay sau đó đã chuyển kiến nghị này cho phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành.

Theo quan điểm của ông Lợi, việc doanh nghiệp khó khăn nên gửi kiến nghị là điều hợp lý, cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời thoả đáng cho doanh nghiệp.

Vị này nhấn mạnh thêm, có một số tờ báo đưa tin Mai Linh xin gia hạn nợ trong 20 năm là thông tin không đúng. Trong văn bản doanh nghiệp kiến nghị mỗi tháng trả 6 tỷ, tức là thời gian trả nợ gốc là 20 tháng. Đây là phương án hợp lý đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Trong khi đó, phía đại diện BHXH Việt Nam cho biết cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không có thẩm quyền xem xét khoanh nợ đóng BHXH và miễn, giảm tiền lãi chậm đóng BHXH như đối với trường hợp của Mai Linh.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 17 và khoản 3, Điều 122, Luật BHXH năm 2014 thì trường hợp đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Nên có cơ chế để xem xét cho doanh nghiệp?

Nói với Dân Trí, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho biết, theo nguyên tắc chung của pháp luật thì mới chỉ có thể xem xét cho chậm nộp và không bị phạt chậm nộp đối với một số trường hợp vì lý do bất khả kháng như do thiên tai, bão lụt,…

Còn đối với trường hợp Mai Linh thì đề nghị được khoanh nợ, giãn nợ, trả nợ dài hạn hoặc không bị phạt lãi suất chậm nộp là chưa có sơ sở pháp luật.

“Doanh nghiệp gặp khó khăn thì họ có quyền kiến nghị là chuyện bình thường. Tuy nhiên về phía cơ quan chức năng để giải quyết trong trường hợp này là rất nan giải. Lý do là chưa có hành lang pháp lý để có thể xem xét đối với khó khăn như vậy của các doanh nghiệp”, Luật sư Đức nói.

Theo Luật sư Đức, cần thiết phải tạo ra hành lang pháp lý để giải quyết cho các doanh nghiệp trong một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như có quy định để hai bên BHXH và doanh nghiệp được phép thoả thuận trên cơ sở tham vấn ý kiến của cơ quan trung gian thứ ba như Thanh tra, Kiểm toán hay thậm chí chuyển cho Tòa án xem xét phán quyết.

“Tất nhiên việc xem xét điều kiện khoanh nợ, giãn nợ thuế, bảo hiểm là rất phức tạp, dễ bị lợi dụng, tiêu cực, nên cần phải có quy định một cách rất chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục và trách nhiệm trong việc giải quyết”, Luật sư Đức nêu quan điểm.

Khi đề cập tới câu chuyện Mai Linh xin “giải cứu”, số ý kiến lại cho rằng, bản thân doanh nghiệp khi hoạt động cần dự phòng rủi ro, có chiến lược khôn ngoan để cạnh tranh, tồn tại trên thị trường. Thực tế mỗi năm, có vô vàn doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động và rời khỏi thị trường, nếu ai cũng xin hỗ trợ thì không thỏa đáng và nếu “ưu ái” cho một doanh nghiệp nào đó sẽ tạo thành tiền lệ xấu.

Trong khi đó, trả lời báo chí nếu kiến nghị không được chấp thuận doanh nghiệp sẽ tính toán thế nào, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho biết: Mong muốn là chúng tôi sẽ trả nợ chậm và đừng phạt nữa, bởi mức phạt này quá nặng. Nếu Nhà nước cho thì tôi xin, nhưng không được thì chúng tôi vẫn phải trả nợ cho Nhà nước không thiếu một đồng nào.

Lãnh đạo Mai Linh cũng khẳng định đây là những món nợ cũ của các công ty con không hoạt động nữa. Nợ này có từ 2012, khi Mai Linh tái cấu trúc, giảm từ tập đoàn 100 công ty thành viên xuống còn khoảng 60 như hiện nay.

Với tư cách là công ty mẹ, Mai Linh đứng ra nhận trách nhiệm trả số nợ và trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, đơn vị này xin được nộp 180 tỷ đồng trong vòng 20 kỳ trả nợ - vào khoảng 20 tháng.

Cũng theo Chủ tịch Mai Linh, hiện các khoản đóng mới của doanh nghiệp không được tính vào nợ gốc, mà chỉ để trừ lãi. “Nếu Nhà nước cứ tính theo phương án tính lãi, tính phạt như vậy thì đến 100 năm sau Mai Linh cũng không trả hết khoản nợ này”, ông Hồ Huy nói.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP