Tổng thống Trump (phải) và Putin trong cuộc gặp bên lề hội nghị G20 năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp báo sau khi gặp lãnh đạo ba nước vùng Baltic hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông tin rằng việc hòa hợp với Nga là điều rất tốt đẹp và ông có thể xây dựng mối quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuyên bố trên được Trump đưa ra trong bối cảnh ông vừa tung ra đòn trừng phạt ngoại giao chưa từng có nhắm vào Moscow, khi trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán nước này ở Seattle để đáp trả vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh. Quyết định này của Trump đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga, khi Điện Kremlin vài ngày sau tuyên bố "đáp trả tương xứng" bằng cách trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa tổng lãnh sự quán ở St. Petersburg.
Paul Waldman, bình luận viên cấp cao của American Prospect, cho rằng việc đưa ra quyết định này là điều không hề dễ dàng với Trump. Tất cả những gì ông muốn chỉ là trở thành một người bạn của Putin. Trump tin rằng nếu có thời gian gặp gỡ, trao đổi cùng nhau, ông và Putin có thể trở thành những người tri kỷ. Nhưng thực tế cho thấy những gì ông mong muốn nhất lại là điều khó thực hiện nhất.
Khi tới Nga tham dự một cuộc thi hoa hậu vào năm 2013, tỷ phú Trump lúc đó đã rất muốn gặp Tổng thống Nga Putin. "Bạn có nghĩ rằng Putin sẽ tới cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vào tháng 11 ở Moscow không. Nếu đến, liệu ông ấy có thể trở thành bạn thân mới của tôi không?", Trump viết trên Twitter hồi tháng 6/2013.
Lúc Trump đặt chân tới Moscow, Điện Kremlin bắn tin rằng ông Putin có thể tới tham dự sự kiện. "Nhưng khi sắp hết thời gian ở Nga, Trump vẫn không nghe thấy thông tin gì khác. Ông ấy trở nên bất an", David Corn và Michael Isikoff viết trong cuốn sách về Trump. "Ông ấy liên tục hỏi ‘Putin có đến không?’" Nhưng cuối cùng Trump nhận được tin rằng Tổng thống Putin sẽ không đến được vì tắc đường.
Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Trump vẫn thể hiện thiện cảm một cách công khai với Nga và Putin, điều khiến ông hứng chịu không ít chỉ trích và rắc rối cả về mặt chính trị lẫn pháp lý. Nhiều trợ lý cấp cao của ông đã bị thẩm vấn, điều tra, thậm chí mất chức trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, nhưng Trump kiên quyết không lên án Moscow, thậm chí còn cho rằng cáo buộc này chỉ là "âm mưu" của đảng Dân chủ nhằm chống lại mình.
Chỉ vài ngày trước khi vụ Skripal nổ ra, Trump gây bất ngờ khi gọi điện cho Putin sau khi ông này tái đắc cử Tổng thống Nga, điều mà không người tiền nhiệm nào của ông trong Nhà Trắng từng làm. Dù các trợ lý an ninh quốc gia đã viết hoa dòng chữ "Đừng chúc mừng", Trump vẫn chúc mừng thắng lợi của Tổng thống Nga, cho rằng đây là điều bình thường bởi sự hòa hợp với Nga có thể giúp Mỹ giải quyết nhiều vấn đề quốc tế lớn.
Giới phân tích cho rằng lời chúc mừng này cho thấy Trump vẫn thể hiện sự ngưỡng mộ với Putin, người từng được ông ca ngợi là có khả năng lãnh đạo tốt hơn cả cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cũng trong cuộc điện đàm, Trump dường như đã mời Putin tới Nhà Trắng để thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai lãnh đạo siêu cường.
"Trong cuộc điện đàm giữa hai tổng thống, ông Trump đề xuất cuộc gặp đầu tiên có thể được tổ chức ở Washington", trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov hôm qua nói với hãng TASS. Trợ lý của Trump xác nhận hai lãnh đạo đã thảo luận về cuộc gặp song phương "trong tương lai không xa" ở nhiều địa điểm tiềm năng, trong đó có Nhà Trắng.
Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận, trong bối cảnh cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang được đẩy mạnh và đã khiến một luật sư phải ngồi tù. Nó cũng khiến nhiều người hoài nghi về quyết tâm trừng phạt Nga của Trump, sau khi nước này tham gia cùng 27 quốc gia phương Tây trong chiến dịch trục xuất đồng loạt nhà ngoại giao Moscow.
Các nhà quan sát cho rằng về lý thuyết, Nga không phải là vấn đề thực sự đáng để Mỹ bận tâm. Kim ngạch thương mại giữa hai nước chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ, tình trạng thâm hụt thương mại cũng không đủ để Trump phải lo ngại. Ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế đã suy giảm rất nhiều so với Liên Xô và không khiến Mỹ phải lo lắng như với Trung Quốc.
Nhưng những cáo buộc về việc Nga sử dụng mạng xã hội để tiếp cận, tác động đến các cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua nhằm giúp Trump thắng cử đã khiến quốc hội và giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Washington lo ngại.
Sức ép từ hệ thống lập pháp, tư pháp Mỹ đã khiến căng thẳng giữa Washington với Moscow tăng lên từ khi Trump nhậm chức, bất chấp mong muốn cải thiện quan hệ với Putin của ông. Quốc hội Mỹ năm ngoái thông qua các lệnh cấm vận mới đối với Nga và Trump buộc phải miễn cưỡng ký thông qua đạo luật. Tháng 12/2017, Mỹ phê chuẩn việc bán tên lửa chống tăng cho Ukraine bất chấp phản ứng quyết liệt từ Nga.
Nỗi bất bình càng tăng lên khi Anh đưa ra cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok. Các cố vấn an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại nhanh chóng thúc giục Trump ra quyết định đáp trả Moscow.
Theo Waldman, việc Trump ký lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga gần đây cho thấy ông không chỉ đang bất lực trước những thế lực muốn Mỹ có lập trường cứng rắn hơn với Nga mà còn không quan tâm đủ mức tới việc đưa ra các chính sách cụ thể để hiện thực hóa mong muốn "làm bạn" với Putin của mình. Trump dường như cho rằng tình cảm cá nhân mà ông dành cho Putin là đủ mà không để ý tới lập trường chung của nước Mỹ đối với nước Nga.
Bởi vậy, bình luận viên này cho rằng ngay cả khi mời Putin đến gặp thượng đỉnh ở Washington, Trump khó có thể vượt qua được các trở ngại để cải thiện đáng kể quan hệ với Nga. Cuộc gặp này nhiều khả năng chỉ để thỏa mãn lòng ngưỡng mộ của Trump và giúp Putin giành được một chiến thắng ngoại giao mà không đem lại kết quả thực tế.
"Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, Trump nhiều nhất chỉ có thể có được điều khao khát nhất từ Putin: Một cái nhìn thẳng, tay đặt lên vai và lời khẳng định ‘Đúng vậy, Donald. Chúng ta là bạn’", Waldman viết.
Tác giả: Trí Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress