Cuộc sống

Khách đến thăm bà đẻ, bố chồng ngồi cửa nhẩm tiền

Lần nào khách đến, bố chồng em cũng ngồi ở bàn uống nước trước cửa phòng rồi nhẩm tính xem tổng cộng, họ cho cháu mình được bao nhiêu tiền.

Em mới sinh con đầu lòng được một tháng, gia đình không cho em dùng điện thoại vì ở quê quan niệm phụ nữ sau sinh dùng điện thoại sau này mắt sẽ bị mờ sớm. Tuy nhiên, cuộc sống sau sinh nhiều mệt mỏi, em không biết tâm sự với ai nên giấu cha mẹ vào mạng viết tâm sự này.

Em năm nay 25 tuổi. Chồng em hơn em 5 tuổi. Anh là kỹ sư xây dựng, phải đi làm công trình ở tận Quảng Ninh. Mỗi tháng, anh chỉ về với vợ con hai lần.

Ở nhà, em sống cùng bố mẹ chồng, đều là công nhân về hưu. Kinh tế gia đình ở mức trung bình nên bố mẹ chồng em rất tiết kiệm.

Gia đình bên ngoại của em thì khá hơn. Trước khi sinh con, mẹ thương em nên tháng nào cũng đưa em đi mua sắm quần áo, váy vóc, mỹ phẩm... Ngoài ra, mẹ em còn cho em thêm tiền để chi tiêu. Tính em thật thà, lần nào nhà ngoại cho tiền, bố mẹ chồng hỏi chuyện, em cũng kể hết. Bố mẹ chồng em nghe xong, cứ gật gù suốt.

Sau đó, chờ lúc em đi vắng, bố chồng em vào phòng em rồi đếm số quần áo, váy vóc của em. Tiếp đến, ông nhẩm tính rồi quy ra tiền. Một lần, mẹ chồng em nói với em, em mới biết.

Bà bảo: “Bố mày đếm được trong tủ quần áo của mày có 42 cái váy, 17 cái áo và 9 cái quần. Số quần áo váy vóc đó mà tính ra tiền thì phải 100 triệu. Lần sau, nếu bà ngoại có rủ đi mua sắm thì bảo bà cho tiền rồi cất đi. Mua quần áo nhiều cũng không mặc hết”.

Em sốc lắm nhưng em vẫn không nghĩ bố chồng em là người nhỏ nhặt, hay để ý và tính toán cho đến khi em sinh con…

Ảnh minh họa


Em sinh bé Cún (tên con em), họ hàng bên nội, bên ngoại và bạn bè đồng nghiệp đều đến thăm. Khi đến, hầu như ai cũng cho cháu chút quà.

Gia đình bên nội ít người, lại không quá khá giả nên người đến thăm, tối đa thì cho 500 nghìn đồng. Còn lại chủ yếu mọi người bỏ phong bì 100 - 200 nghìn đồng cho cháu.

Bố mẹ chồng em không lạ gì chuyện đó nên khi họ hàng bên nội đến, bố mẹ chồng em không hỏi dò. Tuy nhiên, họ hàng bên ngoại thì khác. Không kể bố mẹ em, các cô dì, chú bác nhà em đến, ai cũng cho bằng tiền triệu. Người ít thì 1 triệu, người nhiều thì 5 triệu.

Vì thế bố mẹ chồng em tò mò lắm. Lần nào thấy có người đến thăm rồi ra về, mẹ chồng em cũng lon ton chạy vào phòng để hỏi xem bác vừa rồi cho phong bì bao nhiêu?

Em thấy mẹ chồng tò mò nên thỉnh thoảng em cũng bóc phong bì trước mặt bà chứ không giấu giếm. Mẹ chồng em nhìn phong bì xong, mắt chữ O, miệng chữ A rồi chạy ngay về phòng của mình.

Thế rồi, cách đây 3 ngày, mẹ chồng bảo em đưa tiền mọi người cho thằng Cún để bà giữ. Vì em còn trẻ con, cầm tiền lại đi mua váy, áo hết.

Em bảo, em không có nhiều, chỉ có một ít em cần giữ để chi tiêu bỉm, sữa cho con. Vậy mà mẹ chồng nói khiến em choáng váng. Bà bảo: “Bố mày đếm sơ sơ thì mọi người phải cho mày đến 70 triệu. Bỉm, sữa gì mà hết từng ấy tiền?”.

Em hỏi lại bà: “Bố đếm ở đâu mà bảo 70 triệu?” thì mẹ em bĩu dài môi.

Bà bảo: “Lần nào khách đến, bố mày chả ngồi ở bàn uống nước. Vì thế, bố mày nhớ hết có bao nhiêu người đến và mỗi người đến, họ cho cháu bao nhiêu. Nên bố mày bảo, cứ tính trung bình thì mày phải có ít nhất 70 triệu”.

Em nghe mẹ chồng nói mà thấy sợ bố chồng em quá. Đúng là, tất cả họ hàng đôi bên cùng bạn bè, đồng nghiệp tới thăm cháu, mọi người cho cháu khoảng 80 triệu đồng.

Chắc mỗi lần có người đến thăm là ông lại ngồi nhẩm tính số tiền họ cho rồi cộng dồn vào. Như thế mới thấy, bố chồng em để ý và nhớ lâu ghê gớm.

Không biết sau này, cuộc đời em sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục sống chung với bố mẹ chồng thế này? Ai có cao kiến gì xin giúp em để bố chồng em hết tính tò mò, soi mói ạ?

Tác giả bài viết: Vũ Ngọc(Hà Nội)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP