Thể thao

Kẻ đốt đền và những người châm lửa

19 năm trước trận cuối vòng bảng, Tiger Cup 1998 trên sân Thống Nhất, hai đội Thái Lan và Indonesia đã diễn “trận cầu thối” khi ai cũng muốn thua để có lợi thế.

Kết quả là cầu thủ Effendi của Indonesia gần đến cuối trận đã tự sút vào lưới nhà rồi đứng vỗ tay vì bàn thua đã giúp đội Indonesia ở lại sân Thống Nhất đá bán kết đồng thời tránh chủ nhà Việt Nam.

Bàn đá vào lưới nhà rồi đứng vỗ tay đấy bị báo chí Đông Nam Á lên án là “đóng đinh vào cỗ quan tài” do hành động xem thường khán giả. Tuy nhiên, sau đó thì báo chí Đông Nam Á cũng rất công bằng khi lên án cầu thủ Effendi và hai đội thi đấu mà cứ muốn thua nhưng cũng chỉ trích rất nặng ban tổ chức đặt ra điều lệ không giống ai. Đó là đội nhất mỗi bảng phải di chuyển 2.000 km đá với đội nhì bảng kia ở tại chỗ (Hà Nội hoặc TP.HCM). Điều lệ kỳ quặc đấy được phân tích là làm lợi cho chủ nhà Việt Nam (nhì bảng được ở lại Hà Nội tiếp đội nhất bảng kia từ TP.HCM di chuyển ra). Báo chí Đông Nam Á lên án ban tổ chức đã tạo mồi lửa cho những kẻ đốt đền làm trò bỉ ổi trên sân bóng vì ai cũng tính lợi cho mình ở bán kết bằng cách thua để không phải di chuyển lại tránh được chủ nhà Việt Nam.

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng ngồi cùng em ruột mình là chủ tịch CLB Long An trên khán đài và chính ông Thắng cũng không ngờ chỉ một khoảnh khắc những mồi lửa đã thành vụ cháy lớn. Ảnh: PHẠM HUY

Dài dòng chuyện của 19 năm trước để nói đến “trận cầu thối” mới xảy ra chiều 19-2 giữa TP.HCM - Long An làm nóng các trang báo khu vực và quốc tế.

Vì đâu bóng đá Việt Nam cũng có nhiều “kẻ đốt đền” như thế? Vì đâu mới sáu vòng đấu V-League mà hàng loạt án phạt, hàng loạt kiện cáo, hàng loạt sự cố và hàng loạt đội mất niềm tin? Thậm chí là đến ông Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức cũng từng vạch trần sự tệ hại ở ngôi nhà bóng đá VFF mà ông cho rằng đã đến lúc phải xóa đi làm lại để những người vì bóng đá thực sự và có trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà ngồi vào điều hành.

Từ án phạt Samson “giơ cao đánh khẽ” sau khi che mãi mà không ổn, chuyện giảm án cho Omar sau lời răn đe của tỉ phú FLC Thanh Hóa rồi đến những đội chết oan như SL Nghệ An phải ngậm ngùi gửi đơn kêu cứu… Thế nhưng những nhà điều hành thay vì ngồi lại làm đúng trách nhiệm, xử lý minh bạch thì lại gom tụ với nhau và che chắn.

Hoặc mới đây, giám sát Đoàn Phú Tấn làm đúng trách nhiệm của mình là ngăn không để những mồi lửa xảy ra do trưởng đoàn TP.HCM non trẻ và nóng nảy. Việc ngăn một hành vi có thể cấu thành tội rõ ràng tốt hơn là cứ để mặc để họ phạm tội rồi xử án. Lẽ ra ông Tấn phải được khen ngợi thì đằng này lại bị chính những nhà tổ chức làm khó. Điều này càng cho thấy sự điều hành thiếu minh bạch và nặng về đối phó lẫn êkíp.

Ai đang thao túng bóng đá Việt Nam?

Vì sao án phạt của cầu thủ lại có sự ưu ái “sáng tác” ra thuật ngữ để bao che cho cầu thủ phạm tội?

Vì sao rất nhiều đội bóng ngại đá với những đội của một ông bầu đang có tầm ảnh hưởng lớn với nhiều quan chức bóng đá?

VFF không giải được những câu hỏi đó thì căn bệnh niềm tin sẽ càng lớn và đó cũng là mồi lửa cho những kẻ đốt đền làm tổn hại đến nền bóng đá nước nhà.

Tác giả bài viết: Tấn Phước

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP