Tại buổi lễ, hai bên cũng ký kết Biên bản thoả thuận dự án khảo sát thu thập số liệu phát triển cảng Liên Chiểu.
Ông Thơ chia sẻ, Nhật Bản thời gian qua luôn sát cánh, hỗ trợ, để lại nhiều dấu ấn với sự phát triển của TP.Đà Nẵng. Trong đó, có nhiều công trình tại địa phương mang dấu ấn của Nhật Bản như mở rộng đường Ngô Quyền, cảng Tiên Sa, hầm Hải Vân… Đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Nhật Bản luôn nằm trong top những nước có doanh nghiệp đầu tư vào TP.Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Đức Thơ tiếp đón, làm việc đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) do ông Shimizu Akira, Trưởng văn phòng đại diện JICA tại Việt Nam dẫn đầu. |
“Giữa TP.Đà Nẵng và nhiều tỉnh của Nhật Bản có mối quan hệ tốt. Tình hữu nghị, giao lưu văn hoá của hai nước cũng phát triển ngày càng tốt”, ông Thơ nói.
Ông mong muốn hai phía tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới với nhiều lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, xã hội, thu hút đầu tư, y tế…
Chủ tịch Đà Nẵng cũng cho hay, dự án Cảng Liên Chiểu được rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm suốt thời gian qua. Sự hỗ trợ lần này của JICA trong dự án khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu được đánh giá là một bước quan trọng để biến dự án này thành sự thật.
Hai bên ký kết Biên bản thoả thuận dự án khảo sát thu thập số liệu phát triển cảng Liên Chiểu. |
Ông Shimizu Akira chia sẻ, đây là lần trở lại TP.Đà Nẵng sau bảy năm. Ông ngỡ ngàng vì TP.Đà Nẵng có quá nhiều thay đổi, đặc biệt là có nhiều công trình xây dựng cao tầng…
Ông Shimizu Akira nhận chức trưởng đại diện JICA Việt Nam vào tháng 3/2020. Đây là chuyến thăm TP.Đà Nẵng đầu tiên kể từ khi ông nhận chức.
Ông Shimizu Akira đánh giá, TP.Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng và sức phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Trước đây, JICA đã hỗ trợ TP.Đà Nẵng trong các dự án lập quy hoạch chung, cũng như dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa. Hiểu rõ tầm quan trọng của dự án cảng Liên Chiểu đối với sự phát triển của TP.Đà Nẵng cũng như khu vực, JICA quyết định hỗ trợ dự án khảo sát thu thập số liệu phát triển cảng Liên Chiểu.
Ngay sau lễ ký kết, JICA sẽ triển khai nghiên cứu, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tại TP.Đà Nẵng để thực hiện, hoàn thành đúng dự kiến. JICA mong muốn tiếp tục hỗ trợ TP.Đà Nẵng trong các dự án quy hoạch, nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Dự án khảo sát thu thập số liệu phát triển cảng Liên Chiểu sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Phạm vi dự án gồm: rà soát, thu thập các số liệu về dự án cảng Liên Chiểu và quy hoạch phát triển cảng; đề xuất chiến lược Quy hoạch phát triển cảng và các khu vực lân cận; lập quy hoạch cảng giai đoạn 2025-2040; đề xuất hướng tuyến đường nối phù hợp với cảng Liên Chiểu và kết cấu hạ tầng đường hiện hữu; xem xét tính khả thi của việc phân dịch hợp phần đầu tư công – tư, đưa ra phạm vi nghiên cứu tiền khả thi hợp phần kêu gọi tư nhân theo quy định của Việt Nam; đề xuất cơ quan quản lý khai thác cảng.
Mô hình cảng Liên Chiểu đã được phê duyệt. |
Dự án được thực hiện trong 5 tháng, từ tháng 7 đến 11/2020. Kết quả dự án gồm: báo cáo kết quả nghiên cứu gửi UBND thành phố về các nội dung đề xuất trong phạm vi nghiên cứu để xem xét, phê duyệt; báo cáo kết quả nghiên cứu là cơ sở để JICA tiếp tục xem xét, hỗ trợ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án bến cảng Liên Chiểu (hợp phần kêu gọi đầu tư tư nhân) theo quy định của Thông tư số 09/2018/NĐ-CP ngày 18/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các dự án, chương trình liên quan.
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: nguoiduatin.vn