Trong nước

Ít cán bộ tự nguyện nhận khoán xe công

Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công theo cơ chế tự nguyện, nên còn ít người đăng ký áp dụng, bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói về việc tiết kiệm trong hệ thống hành chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 12-4 về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đến thời điểm này, hàng chục bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước chưa có báo cáo về công tác này.

Định mức ôtô chưa phù hợp

Theo bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm qua các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, sắp xếp ôtô phục vụ công tác theo đúng định mức; công tác khoán kinh phí sử dụng xe công đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước đã tổng hợp được thông tin 6 loại tài sản tại 91.986 đơn vị, chiếm 99% tổng số cơ quan, tổ chức, đơn vị (chưa bao gồm các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan VN ở nước ngoài), đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản.

Tuy vậy, theo bộ trưởng Dũng, còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục là hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chưa bao quát hết các đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Một số loại tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù của các ngành, lĩnh vực chưa có tiêu chuẩn, định mức.

"Định mức sử dụng ôtô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp; chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công theo cơ chế tự nguyện, nên còn ít người đăng ký áp dụng", ông Dũng nói.

Về điểm này, sau khi nghe báo cáo, trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý đặt vấn đề: "Cần có phân tích, đánh giá toàn diện xem việc xử lý xe dôi dư ra sao, số lượng khoán xe công thế nào. Chính sách này Bộ Tài chính đi tiên phong, được dư luận hưởng ứng, nhưng kết quả cụ thể ra sao?"

Vẫn có nơi xin thêm biên chế

Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận tình trạng tổ chức bộ máy một số cơ quan nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu.

Vẫn có một số địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức; một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế không theo đúng trình tự quy định, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa thật thống nhất, thông suốt; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi còn lỏng lẻo.

Phương thức quản lý điều hành của bộ máy hành chính một số nơi chậm thay đổi, quy trình làm việc còn thiếu chuyên nghiệp, sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ.

Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phê bình các chưa báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 - Ảnh: Quochoi.vn

Về điểm này, chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị chỉ ra và biểu dương bộ nào, ngành nào, địa phương nào làm tốt, phê bình nơi làm chưa tốt.

Ông Giàu cũng chưa thấy chỉ rõ chính sách nào, luật nào còn có vấn đề, chưa đi vào cuộc sống cần phải sửa đổi, khắc phục. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu những cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện nghiêm pháp luật và chỉ đạo.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng phê bình 14 bộ, ngành, 17 địa phương, 13 tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cắt giảm 100% việc tổ chức động thổ, khởi công

Về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018, Chính phủ đề nghị phấn đấu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước 12% đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào, so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương", bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu.

Chính phủ cũng nêu việc đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6; sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.

Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao; giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao.

Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Tác giả: LÊ KIÊN

Nguồn tin: tuoitre.vn

  Từ khóa: xe công , cán bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP