Số hóa

iPhone sẽ thay thế vé tàu xe tại Nhật Bản

Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trên các phương tiện công cộng tại Nhật Bản, Apple và Sony đã đưa ra giải pháp thanh toán và lưu trữ vé điện tử mang tên FeliCa.

Theo nguồn tin từ Nhật Bản, tập đoàn Sony đang phối hợp với Apple để phát triển công nghệ mới tích hợp chip FeliCa từ vé điện tử truyền thống lên iPhone để thay thế thói quen dùng vé tàu của người dân.

Cụ thể, thay vì sử dụng những tấm vé có chip FeliCa, công nghệ này sẽ mang con chip điện tử vào bên trong iPhone, cho phép người dùng lưu trữ thông tin vé xe bus, vé tàu điện, tiền ảo để thanh toán qua Apple Pay ngay trên thiết bị.


Những con chip FeliCa có thể tháo rời có thể được tích hợp trong iPhone giúp người dung thanh toán nhanh hơn. Ảnh: Sony Corp.

Thay vì phải giữ nhiều vé tàu xe và quẹt chúng khi đi qua máy quét thẻ an ninh, các hành khách Nhật Bản chỉ cần sử dụng iPhone của họ như thẻ quẹt tại đây.

Nhật Bản vốn có lượng khách khổng lồ thường xuyên di chuyển bằng phương tiện công cộng vào giờ cao điểm. Có rất nhiều phương thức thanh toán tồn tại ở Nhật Bản, và vé tàu có sẵn chip điện tử vốn được sử dụng từ lâu với hơn 1,9 triệu thẻ được lưu hành, theo số liệu từ ngân hàng Nhật Bản. Trong đó, chỉ riêng năm 2015, đã có hơn 4,9 nghìn tỉ Yên (46 tỷ USD) được giao dịch qua hệ thống này.

Theo kế hoạch của Apple, hãng sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hỗ trợ dịch vụ này đến các nhà cung cấp dịch vụ thẻ khác trong Nhật Bản. Suica và Pasmo là hai trong số nhiều nhà cung cấp tại đây.

Về mặt lý thuyết, tất cả thông tin về vé từ nhiều hãng khác nhau sẽ được lưu trữ trong ứng dụng ví điện tử Wallet của iPhone. Các nhà cung cấp dịch vụ khi đó sẽ đưa ra các gói tiền phí hàng tháng để sử dụng vé ảo.

Cơ hội của Apple tại Nhật Bản là rất lớn khi quốc gia này chiếm đến 8% trong tổng doanh thu của hãng và gần 11% trong lợi nhuận từ các hoạt động trong quý gần đây.

Về phía Sony, hãng cho biết công nghệ chip FeliCa được tích hợp trong iPhone có khả năng thực hiện giao dịch thanh toán chỉ trong 0,1 giây. Tốc độ này là rất cần thiết ở quốc gia có mạng lưới giao thông cũng như làm việc nhanh chóng như Nhật Bản.

Tuy nhiên, tốc độ có thể bị giảm vì để giao dịch tới Apple Pay, thông tin phải đi qua các trạm trung gian cũng như được sự chấp thuận của ngân hàng. Chính vì thế, chip nhúng FeliCa có thể được hỗ trợ lưu trữ tiền ảo, giúp giao dịch thực hiện nhanh chóng hơn. Táo khuyết vẫn đang trong giai đoạn thống nhất ý kiến với một vài nhà cung cấp còn lại.

Ước tính chỉ riêng với Apple Pay được triển khai từ 2014, dịch vụ đã xuất hiện ở nhiều nước và phát triển với tốc độ chóng mặt 19% qua mỗi năm và đạt doanh thu gần 6 tỷ USD trong quý tài chính thứ ba. Nếu đạt được thỏa thuận chung với Nhật Bản về công nghệ chip FeliCa, Táo khuyết sẽ có thêm cơ hội phát triển doanh thu và giá trị công ty.

Tác giả bài viết: Hoàng Vinh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP