Các nhân viên y tế chuyển thi thể nạn nhân Covid-19 chết tại nhà ở Bandung, Indonesia ngày 28/7 (Ảnh: AFP). |
Bất chấp những nỗ lực của Indonesia nhằm hạn chế sự gia tăng các ca mắc Covid-19 và giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân Covid-19 vẫn đang tử vong tại nhà. Không ai biết về cái chết của họ, ngoại trừ những người trong gia đình.
Truyền thông địa phương đưa tin, một phụ nữ 70 tuổi ở Indramayu, Tây Java, đã chết tại nhà vào ngày 24/7 trong lúc tự cách ly, sau khi con gái 56 tuổi của bà chết vì sốt cao.
Theo nền tảng dữ liệu công dân LaporCovid-19, 2.705 bệnh nhân Covid-19 ở Indonesia đã chết tại nhà trong 2 tháng qua, trong đó nhiều người không thể tới các bệnh viện quá tải để điều trị.
Yulia chỉ có thể nhìn người em trai ốm yếu của mình từ xa, sau khi người đàn ông này và gia đình anh phải rời khỏi nhà và tìm kiếm một cơ sở cách ly.
Đó là lần cuối cùng cô nhìn thấy em trai mình. Người đàn ông 42 tuổi qua đời 12 ngày sau đó, ngay sau khi được đồng ý cho nhập viện.
Trong tin nhắn gửi cho chị gái vào đêm trước khi chết, người đàn ông nói rằng các y tá luôn bận rộn với quá nhiều bệnh nhân.
"Em tôi cũng phàn nàn rằng cậu ấy không được điều trị tối đa. Tôi đã cố gắng động viên cậu ấy bình phục, cầu nguyện và làm theo những gì các y tá yêu cầu", Yulia nói.
Số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở Indonesia đang gây sức ép nghiêm trọng cho hệ thống y tế, ngay cả khi các nhà chức trách cố gắng mở rộng không gian điều trị ở các bệnh viện.
Indonesia, tâm chấn của đại dịch Covid-19 ở châu Á, đã ghi nhận 47.791 ca nhiễm mới vào ngày 28/7, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 3,29 triệu. Số ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua tại Indonesia tăng thêm 1.824 người, nâng tổng số người chết tại nước này lên 88.659 trường hợp.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại Jakarta (Ảnh: Reuters). |
Sau khi bị các bệnh viện quá tải từ chối tiếp nhận, các bệnh nhân buộc phải về nhà để phục hồi sức khỏe mà không được can thiệp y tế kịp thời trong những ngày đầu nhiễm bệnh.
Các chuyên gia y tế cho biết, biến thể Delta có thể khiến tình trạng của bệnh nhân Covid-19 xấu đi nhanh chóng. Biến thể này cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng số ca nhiễm theo cấp số nhân trên khắp Indonesia.
Darussalam, 63 tuổi, một người dân Jakarta, đã đưa vợ đến bệnh viện vào cuối tháng 6 sau khi vợ anh trải qua các triệu chứng mắc Covid-19 trong một tuần, ban đầu là chảy nước mũi và ho, dần dần đến khó thở. Gia đình đã sử dụng bình ôxy di động để giúp bệnh nhân dễ thở hơn.
"Một số người thân của chúng tôi cũng bị nhiễm bệnh và hầu hết đều tự cách ly. Vợ tôi cũng như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng cô ấy đã dương tính với virus từ trước khi được xét nghiệm. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng các bệnh viện đều đã kín chỗ", Darussalam nói.
Bà mẹ 3 con, 44 tuổi, qua đời vào ngày 4/7, chỉ vài ngày sau khi được đưa vào khu điều trị bình thường tại bệnh viện Pelni ở Jakarta, nơi có hơn 30 bệnh nhân đang xếp hàng để được vào phòng điều trị tích cực. Một chiếc lều đã được dựng lên để điều trị cho những bệnh nhân cấp cứu.
Bác sĩ nội khoa Nur Chandra Bunawan tại bệnh viện đa khoa Kramat Jati, Jakarta, thừa nhận hầu hết bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện từ hồi tháng 6 đều có các triệu chứng nghiêm trọng, như khó thở.
"Nhiều bệnh nhân dường như đến quá muộn vì họ tự cách ly. Đối với những người xét nghiệm dương tính và không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, họ có thể tự cách ly, nhưng điều đó nên do nhân viên y tế quyết định. Nếu kiểm tra y tế, chẳng hạn xét nghiệm máu và X-quang, cho thấy họ an toàn, họ cũng có thể tự cách ly. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự quyết định điều này", bác sĩ Bunawan nói.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí