Một lượng lớn hồng được thu hoạch trong mùa khiến cho người nông dân liên tục chịu cảnh bị ép giá.
Khoảng 4 năm trước, nhiều nông dân tại Đà Lạt được tiếp nhận công nghệ sấy khô từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản, giúp tăng khả năng chế biến trái hồng sau thu hoạch.
Với công nghệ sấy hồng kiểu Nhật Bản, quá trình chăm sóc hồng tuyệt đối không sử dụng bất cứ chất kích thích, hóa học nào. Sau khi thu hoạch, trái hồng được gọt sạch vỏ, riêng phần cuống được giữ lại để treo.
Hồng được đưa vào lò sấy nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C, trong khoảng 3 tiếng. Cách làm này giúp cho trái hồng khô lớp bề mặt. Từng trái hồng sau đó được treo lên các móc bằng nhựa.
Việc treo hồng được thực hiện ngay sau khi đưa từ trong lò sấy ra.
Hồng sẽ được gió sấy tự nhiên, thời gian treo hồng kéo dài khoảng 3 tuần, phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời.
Bà Đặng Thị Thu Vân (phường 10, TP Đà Lạt) cho biết, nhiệt độ ngoài trời từ 25 đến 30 độ và độ ẩm khoảng 50% sẽ là điều kiện lý tưởng để sấy theo công nghệ của Nhật Bản.
Thông thường, khoảng 7-8kg hồng tươi sẽ cho ra 1kg hồng sấy gió, nên giá của hồng sấy Nhật Bản cũng có giá cao hơn các loại hồng sấy lò truyền thống. Hiện hồng sấy được bán sỉ với giá từ 420.000 đến 450.000 đồng một kg.
Dù có giá bán khá cao, nhưng hồng sấy gió có vị thơm, ngọt thanh tự nhiên nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Trong những ngày gần Tết, các cơ sở cho biết không có đủ hàng cung cấp ra thị trường.
Tác giả bài viết: Khánh Hương
Nguồn tin: