Nghệ nhân Năm Công cho biết: “Tết năm nào tôi cũng làm kiểng hình 12 con giáp phục vụ thị trường với chất liệu là cây gừa tàu. Tuy nhiên, năm cầm tinh con gì thì con đó sẽ là chủ đạo được khách hàng đặt mùa nhiều nhất. Năm nay, hình con gà cao hơn 1 mét với 30 cây gừa ghép lại có giá 2 triệu đồng/cặp, nhỏ hơn giá 1 triệu đồng”.
Kiểng hình gà được làm bằng cây gừa
Gần Tết Nguyên đán, nghệ nhân Nguyễn Văn Vị (56 tuổi, xã Hưng Khánh Trung B) có thâm niên hơn 10 năm tạo dáng cây quất thành hình các linh vật của năm cũng tất bật hoàn thiệt sản phẩm nhằm cung ứng ra thị trường.
Theo ông Vị, nghệ nhân phải kỳ công uốn khung sắt, cả phần đầu, đuôi cánh,…trong chậu có hình con gà sinh động và đặc biệt giống như thật. Trong đó, phần đầu khó làm nhất vì phải dùng nước sơn và bông gòn trộn vào nhau rồi nắn lại sao cho giống đầu gà. Ngoài ra, đuôi, cánh cũng đòi hỏi đôi bàn tay phải vô cùng khéo tay mới có hình giống, sinh động... giá bán mỗi cặp gà bằng quất khoảng từ 1 đến 5 triệu đồng, tùy lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, cả vùng trồng quất cả huyện chợ lách dự kiến xuất hàng khoảng 100 cặp kiểng hình gà. Đồng thời, có khoảng 10 cặp là có thêm 2 chú gà con phía dưới, giá bán tổng cộng cả đàn 4 con đến hơn 10 triệu đồng.
Kiểng hình gà bằng chất liệu cây quất
Ngoài làm kiểng hình gà bằng chất liệu cây quất, gừa…, nghệ nhân Năm Thoại (ngụ xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) còn “tạo dáng” kiểng hình gà bằng chất liệu cây trang cổ thụ khá độc đáo. Nghệ nhân Năm Thoại cho biết: “Năm nay tôi làm 4 cặp kiểng hình gà và 2 đàn gà (gồm gà trống, gà mái và 5 con gà con) với giá bán từ 100 đến 150 triệu đồng mỗi cặp, đàn gà khoảng 70 triệu đồng.
Nghệ nhân Năm Thoại cho biết: “Làm kiểng hình thú bằng cây trang rất khó tìm cây nguyên liệu vì phải là cây cổ thụ từ 20 năm tuổi trở lên mới có tán lớn để tạo hình. Vì vậy, giá bán khá cao và người chơi có thể sử dụng được lâu dài. Sau khi cắt tỉa, cây ra lá mới và trổ bông lộ ra bên ngoài rất đẹp mắt”.
Kiểng hình gà bằng cây trang cổ thụ có giá hơn 100 triệu đồng/cặp của nghệ nhân Năm Thoại
Các con vật khác cũng làm bằng cây kiểng rất đẹp mắt
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Kiểng hình thú rất khó làm và đòi hỏi kỳ công nên ở địa phương không có nhiều nghệ nhân làm và giá trị luôn ở mức cao. Những cây kiểng độc đáo này ngoài việc góp phần làm phong phú của vườn kiểng tại địa phương, tính độc đáo của nó cũng giúp thương hiệu kiểng Chợ Lách ngày càng được nhiều người biết đến trong thị trường cả nước. Một số sản phẩm còn xuất sang nước ngoài…”.
Tác giả bài viết: Minh Giang
Nguồn tin: