Thế giới

Hơn 10 nhân viên Liên Hợp Quốc bị bắt giữ tại Ethiopia

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc tại Ethiopia cho biết, cơ quan này đang xác minh và theo dõi những báo cáo về các vụ bắt giữ liên quan đến nhân viên của tổ chức.

AFP dẫn lời các nguồn tin ngày 9/11 cho biết, hơn 10 nhân viên người Ethiopia của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bị bắt giữ trong các hoạt động nhắm vào người dân tộc Tigray giữa lúc Thủ đô Addis Ababa của nước này đang bị đặt dưới tình trạng khẩn cấp.

Một nguồn tin tiết lộ, vài người trong số này đã bị áp giải khỏi nhà riêng. Theo một nữ phát ngôn viên LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ), các nhân viên an ninh của LHQ "đã đến thăm các đồng nghiệp đang bị giam giữ”.

“Công hàm yêu cầu ngay lập tức trả tự do cho các nhân viên bị bắt giữ cũng đã được gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ethiopia”, phát ngôn viên này cho biết thêm.

Người phát ngôn LHQ tại Ethiopia nêu rõ, cơ quan này đang xác minh và theo dõi những báo cáo về các vụ bắt giữ liên quan đến nhân viên của LHQ, đồng thời khẳng định sự an toàn và an ninh của các nhân viên luôn là ưu tiên cao nhất đối với LHQ tại Ethiopia.

Hôm 2/11, Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng trên phạm vi toàn quốc do lo ngại nguy cơ các chiến binh thuộc Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) và Quân Giải phóng Oromo (OLA) tiến về Thủ đô Addis Ababa.

Các biện pháp khẩn cấp cho phép khám xét và giam giữ bất kỳ người nào bị nghi ngờ ủng hộ "các nhóm khủng bố" mà không cần lệnh bắt giữ. Điều này đã dẫn đến sự phản đối của các nhóm nhân quyền.

Các luật sư cho biết, việc bắt giữ tùy tiện người Tigray - thường xuyên diễn ra trong nội chiến Ethiopia - đã tăng đột biến trong tuần trước, khiến hàng ngàn người lo lắng. Trong khi quan chức thực thi pháp luật nói, những vụ bắt giữ này là hoạt động hợp pháp nhằm trấn áp TPLF và OLA.

Căng thẳng giữa chính phủ của ông Abiy Ahmed và LHQ đã tăng cao trong suốt cuộc nội chiến. Cuối tháng 9, Bộ Ngoại giao Ethiopia tuyên bố trục xuất 7 quan chức LHQ cấp cao với lý do "can thiệp" vào công việc nội bộ của đất nước này.

Xung đột ở vùng Tigray bùng phát từ tháng 11/2020 giữa quân đội chính phủ liên bang và các lực lượng trung thành với đảng TPLF đang kiểm soát vùng này. LHQ cảnh báo, cuộc xung đột có thể đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng.

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Ethiopia , Liên Hợp Quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP