Trong nước

Hôm nay Quốc hội thảo luận về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ sáu, hôm nay (27-10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 26-10


Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 34 điều.

Theo Bộ Công an, liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trước một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an vẫn giữ nguyên quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành 1 lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh sẵn có thành 1 lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về:

- Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

- Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ là cơ quan trình; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP