Xe

Hồi kết của ôtô chạy xăng và dầu

Xu hướng phát triển xe sử dụng nhiên liệu sạch, đặc biệt ôtô điện đẩy các hãng xe truyền thống vào tình thế buộc phải thay đổi dần.

Tối 28/7, Tesla Model 3 phiên bản thương mại chính thức ra mắt công chúng tại nhà máy ở Freemont, California, Mỹ. Elon Musk, CEO Tesla gọi đây là khoảnh khắc lịch sử của công ty.

CEO Tesla Elon Musk phát biểu trong sự kiện ra mắt mẫu xe điện Model 3 tại Mỹ. Ảnh: CNBC.

"Model 3 còn hơn cả một chiếc ôtô thông thường". Michelle Krebs, chuyên viên phân tích cấp cao tại Autotrader nói với The Verge. "Nếu thành công, nó sẽ là bước đột phá lớn đối với xe điện và hứa hẹn sự nảy nở lớn hơn trong tương lai đối với công nghệ này".

Model 3 có thể xem là một trong những ví dụ điển hình, biểu trưng cho làn gió mới trong ngành công nghiệp ôtô. Xa hơn nữa là chấm dứt kỷ nguyên của ôtô với động cơ chạy xăng, dầu.

Mới nhưng không hẳn hoàn toàn, bởi trước Tesla, những tên tuổi như Renault, Nissan, Toyota hay nhiều hãng xe sang khác đều có những bước chuẩn bị bằng các sản phẩm dùng liên liệu sạch. Khác biệt ở đây là xuất phát điểm của Tesla so với các hãng xe hơi truyền thống. Điều đó giúp hãng xe Mỹ nắm trong tay không ít lợi thế trước mắt và ngược lại.

Tình thế hiện nay không còn đơn thuần là câu chuyện ai trước ai sau, hay quyết định đầu tư ở mức nào trong chiến lược phát triển của mỗi công ty. Áp lực từ chính quyền các nước trở thành động lực mạnh khiến các hãng xe, dù muốn dù không cũng không thể thờ ơ với tương lai thuộc về xe điện.

"Chúng tôi không thể tiếp tục với ôtô dùng nhiên liệu xăng hoặc diesel. Không còn cách nào khác là phải tiếp cận công nghệ mới", Michael Gove, Bộ trưởng môi trường Anh phát biểu hôm thứ năm, 27/7 liên quan đến việc cấm kinh doanh xe hơi dùng động cơ đốt trong tại nước này từ 2040.

Xứ sở xương mù là quốc gia châu Âu mới nhất sau một số nước như Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy đặt mục tiêu ngừng bán xe hơi chạy nhiên liệu truyền thống trong tương lai gần. Thay vào đó là khuyến khích người dân sử dụng xe điện hoặc hybrid với mục đích cải thiện chất lượng môi trường sống, ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính.

Theo thống kê của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, hiện có khoảng 10 quốc gia trên thế giới đưa xe điện vào tầm ngắm thực hiện với những những biện pháp thúc đẩy người dân dùng xe xanh như miễn, giảm thuế, hỗ trợ tài chính khi mua xe... Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản là bốn nước châu Á thuộc danh sách này.

Na Uy, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thể hiện quyết tâm cao độ với mục tiêu tất cả xe con dưới 7 chỗ hoặc xe van chở người bán ra tại nước này đều có mức phát thải 0%, bắt đầu từ 2025. Trong 2016, có đến 40% số xe mới tiêu thụ tại đất nước Bắc Âu dùng động cơ chạy điện hoặc hybrid, theo CNN.

Một người dân đang sạc điện cho mẫu ôtô ba bánh của Toyota trên đường phố Na Uy. Ảnh: AFP.

"Có một sự đồng thuận về mục tiêu không còn xe hơi mới dùng nhiên liệu hóa thạch bán ra tại Na Uy từ 2025", Washington Post dẫn lời Vidar Helgesen, Bộ trưởng môi trường và khí hậu Na Uy. "Không có lệnh cấm nào ngay lập tức, nhưng những hành động mạnh mẽ đòi hòi phải được thực hiện".

Ngoài mục tiêu cải tạo chất lượng không khí, viễn cảnh nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, nguyên nhân khiến các quốc gia đưa ra những quyết sách còn đến từ bê bối của các hãng xe. Điển hình nhất là scandal gian lận khí thải của tập đoàn số một châu Âu, Volkswagen trong 2015 bị phanh phui tại Mỹ.

Xe hơi chạy diesel chiếm số lượng tác động nhiều nhất khiến gã khổng lồ nước Đức nộp phạt 18 tỷ USD cho cơ quan chức trách Mỹ và hàng tỷ USD khác cho các đợt triệu hồi. Chưa dừng lại ở đó, trong một tuyên bố hôm 22/7, Ủy ban châu Âu xác nhận đang điều tra cáo buộc liên quan đến các tập đoàn lớn như Volkswagen, Daimler và BMW thông đồng làm giả kết quả thử nghiệm khí thải trên xe hơi.

Châu Âu là thị trường với những tiêu chuẩn khí thải cao hàng đầu thế giới. Các nhà sản xuất đang chạy đua công nghệ để thu nhỏ kích thước động cơ, sử dụng tăng áp, hướng đến các sản phẩm xe hybrid, xe điện để đáp ứng yêu cầu từ phía chính quyền. Từ chỗ áp đặt tiêu chuẩn khí thải theo từng giai đoạn đến mức cấm hẳn xe hơi sử dụng nhiên liệu xăng, dầu là một cuộc cách mạng thật sự.

Volvo, hãng xe Thụy Điển hiện thuộc tập đoàn Geely (Trung Quốc) tuyên bố sẽ ngưng sản xuất xe dùng động cơ đốt trong, chỉ còn xe điện và hybrid trong danh mục sản phẩm từ 2019. BMW đặt mục tiêu nửa triệu xe điện bán ra vào 2025, chiếm khoảng 20% doanh số.

Hãng xe châu Á Honda muốn hai phần ba doanh số là xe điện, hybrid trước thời điểm 2030. Liên minh Renault-Nissan thể hiện tham vọng của kẻ dẫn đầu với thị phần xe điện lớn nhất châu Âu và những năm kế tiếp.

Những ví dụ kể trên là một vài trong bức tranh tổng thể, ở đó các hãng xe đang thực hiện những bước chuyển mình để tiếp cận công nghệ sản xuất xe hybrid, xe điện tối ưu. Riêng xe điện, những vấn đề cốt yếu hay thách thức cần phải được giải quyết: thời gian sạc pin nhanh, hệ thống trạm sạc điện rộng khắp, giá thành phổ thông và phạm vi di chuyển rộng sau mỗi lần sạc.

Thiếu hệ thống sạc điện, chính sách chưa khuyến khích xe nhiên liệu sạch phát triển là những trở ngại khiến việc phổ biến xe điện gặp khó ở Việt Nam. Trong ảnh, Chevrolet Bolt, mẫu xe điện cỡ nhỏ ra mắt tại triển lãm ôtô Việt Nam 2017. Ảnh: Khải Biền.

Câu chuyện của Tesla gỡ bỏ những trở lực của ôtô điện để tiến tới thị trường đại chúng là một điểm sáng. Bởi Model 3 có giá từ 35.000 USD, thời gian sạc pin trong 30 phút có thể di chuyển tối thiểu 209 km, các trạm sạc Supercharge của Tesla ngày càng mở rộng tại Mỹ.

Không phải toàn bộ nhưng với nhiều người Mỹ hiện nay, sở hữu một mẫu xe điện giá cao thay vì xe chạy nhiên liệu truyền thống là một việc đáng cân nhắc. Minh chứng rõ ràng nhất là Model S, mẫu sedan hạng sang chạy điện giá gần 100.000 USD nhưng là cái tên bán chạy nhất phân khúc xe điện tại Mỹ 2016, đạt gần 30.000 xe trong tổng dung lượng hơn 159.000 xe tiêu thụ. Giá thành xe điện rẻ hơn có thể thúc đẩy con số này tăng lên.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ và cạnh tranh giữa các hãng xe góp phần giúp giá thành sản xuất pin cho xe điện giảm. Dự báo của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), trong vòng tám năm tới, giá ôtô chạy điện sẽ rẻ như xe hơi chạy xăng. Đây là động lực thúc đẩy con số tiêu thụ xe điện đạt mức 530 triệu chiếc trước 2040. Trong khi 2038 có thể là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên xe điện vượt ôtô dùng nhiên liệu truyền thống về doanh số trên quy mô toàn cầu.

Biều đồ dự đoán doanh số tiêu thụ xe mới chạy điện (màu đen) vượt ôtô dùng nhiên liệu truyền thống (màu xanh) có thể xảy ra vào 2038. Ảnh: Bloomberg.

Nhận định về sự bùng nổ của xe điện trong tương lai, Colin McKerracher, nhà phân tích tại BNEF cho rằng: "Có một yếu tố thuộc về động lực cạnh tranh và khả năng cung ứng dư thừa của thị trường sản xuất pin lithium-ion sẽ làm giá thành chế tạo xe điện giảm".

Tesla đang trong quá trình xây dựng nhà máy trữ điện bằng pin lớn nhất thế giới Gigafactory tại bang Nevada, Mỹ. Công trình dự kiến hoàn thành vào 2018 với công suất 35 GWh mỗi năm. Cũng tại xứ sở cờ hoa, Toyota và Mazda vừa ký kết hợp tác trong công nghệ chế tạo xe điện và xây dựng nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD. Với riêng hãng xe lớn nhất Nhật Bản, tham vọng là tiến tới sản xuất hoàn toàn xe chạy nhiên liệu sạch trước 2050.

Bloomberg cho biết Trung Quốc, quốc gia hiện chiếm khoảng 55% lượng sản xuất pin lithium-ion toàn cầu cũng đang có kế hoạch bổ sung các nhà máy để tạo vị thế vững chắc cho cuộc chiến về năng lượng mới trong tương lai.

"Bắc Kinh coi pin lithium-ion là ngành công nghiệp quan trọng trong những năm 2020 và xa hơn", McKerracher bình luận. "Công suất pin toàn cầu dự báo sẽ tăng từ 103 lên 273 GWh trước 2021. Đây là một cơ hội lớn và nước này hẳn không muốn bỏ lỡ".

Tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe dùng động cơ đốt trong cần khoảng thời gian không hề ngắn. Và tất nhiên, sự nỗ lực cần đến từ chính quyền, nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Tác giả: Phạm Trung

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP