Đại biểu HĐTE chụp ảnh lưu niệm tại kỳ họp. |
Chiều 6/7, tại TPHCM, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố, giai đoạn 2017 - 2020.
Thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020”, Trung ương Đoàn đã chủ trì xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em”. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, mô hình “Hội đồng trẻ em” đã được thành lập và đi vào hoạt động tại 5 tỉnh, thành phố: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, TPHCM.
Hơn 3.000 ý kiến của trẻ được gửi đến lãnh đạo
Sau khi Hội đồng trẻ em (HĐTE) các tỉnh ra mắt và đi vào hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành đã tham mưu cho Ban tham vấn tổ chức các kỳ họp định kỳ của HĐTE với lãnh đạo Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, Yên Bái, Hà Nội, TPHCM tổ chức được 2 kỳ họp; Quảng Ninh và Bình Định tổ chức được 1 kỳ họp. Thông qua các kỳ họp, đã có hơn 3.000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cấp cơ sở gửi tới các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố. Các ý kiến của trẻ em không chỉ liên quan đến chuyện học tập, vui chơi giải trí của lứa tuổi học sinh, mà đã thể hiện sự tham gia cùng các sở, ngành tại địa phương trong giải quyết các vấn đề nóng của xã hội, như: đảm bảo an toàn cho trẻ, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, các quyền tham gia của trẻ em trên nhiều lĩnh vực.
Thời gian qua, Hội đồng Đội T.Ư đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên HĐTE của 5 tỉnh, thành. Trong đó, phối hợp với UNICEF tổ chức 5 lớp tập huấn triển khai chương trình U-report Diễn đàn tiếng nói trẻ em Việt Nam. Bên cạnh đó, 5 tỉnh, thành phố có mô hình HĐTE cũng đã chủ động xây dựng các chương trình tập huấn, trang bị kỹ năng và kiến thức cho các thành viên HĐTE.
Theo anh Nguyễn Thái An, Phó trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, mô hình HĐTE ra đời đã tạo thêm cơ hội cho trẻ em phát huy tốt quyền tham gia của mình vào các vấn đề của trẻ em, tạo nên sự bình đẳng và tạo môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời mô hình cũng là cầu nối hiệu quả giúp các cấp lãnh đạo tỉnh, TP, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ; hỗ trợ các em giải quyết vấn đề và quyết định các vấn đề một cách có trách nhiệm…
Đa dạng hình thức lắng nghe trẻ
Chị Đoàn Thị Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Yên Bái, cho rằng mô hình HĐTE thực sự bổ ích bởi nó đã trang bị nhiều điều cho trẻ. Thông qua mô hình, các em mạnh dạn, tự nhiên trình bày nhiều vấn đề. Các em đã nói lên ý kiến của mình mà không hề e dè. Phong trào công tác Đội phát triển sôi nổi hơn, các em cũng đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Từ tính thiết thực, bổ ích của mô hình, chị Thanh Tâm kiến nghị mô hình này nên được triển khai đến cấp huyện để các cấp các ngành dễ tiếp cận và dễ lắng nghe tiếng nói các em hơn.
Các thành viên “Hội đồng trẻ em” TPHCM bày tỏ ý kiến tại kỳ họp thứ 3. |
Mai Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng trẻ em TPHCM, cho biết tại các kỳ họp hội đồng, các em được chủ trì, điều hành kỳ họp, chuyển các đề xuất, nguyện vọng trong các vấn đề mình quan tâm đến các cô chú lãnh đạo. “Qua đó, chúng em còn được lắng nghe ý kiến của các bạn mình từ nhiều khu vực địa bàn dân cư, góp phần nâng cao ý nghĩa của hội đồng. Mong rằng mô hình HĐTE sẽ được phát huy tốt tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước”, Hải Yến bày tỏ.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, cho rằng dù mới qua 1 năm thực hiện thí điểm, 5 tỉnh, thành đã có nhiều sáng tạo, mạnh dạn trong thực hiện hoạt động cũng như thể hiện vai trò của mình, tạo nên một số chuyển biến tích cực trong giáo dục. Phần lớn nguyện vọng chính đáng của trẻ đã được lắng nghe và được đáp ứng. Những khó khăn, hạn chế còn có sẽ được khắc phục trong thời gian tới.
Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cũng cho biết, tỉnh, thành nào chưa thành lập được HĐTE thì tiến hành thực hiện mô hình Kỳ họp trẻ em để kịp thời lắng nghe trẻ. “Các tỉnh, thành cũng phải đa dạng hình thức lắng nghe trẻ em thông qua nhiều mô hình khác nhau, như: hộp thư, diễn đàn, câu lạc bộ quyền trẻ em; khẩn trương thực hiện phiên họp/ kỳ họp HĐTE tại địa phương. Đoàn- Hội - Hội cần quan tâm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của các em sau kỳ họp, gửi về các sở, ngành có liên quan. Khi có kết quả cần trả lời lại với các em”, chị Duy Trang nói.
Tác giả: NGÔ TÙNG
Nguồn tin: Báo Tiền phong