Ngày nay, con trẻ học như một cái máy, nhiều đứa học không phải vì niềm say mê, vui thích mà vì bị ép học. Học tập đối với chúng là trách nhiệm, cũng là để thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ. Chúng cảm thấy sợ và việc học là một nỗi lo lắng, mệt mỏi chứ không hề có ý nghĩa sâu xa, cao cả vốn có của nó.
Để đối phó với tham vọng thành tích của thầy cô và cha mẹ, để giải quyết xong đống bài vở khổng lồ nên học sinh luôn có tâm lý học tủ, học vẹt. Trừ một số môn học các em thích thì tìm hiểu và tham khảo nhiều hơn, còn lại thì đều học cho xong, cho thật nhanh. Thế nên thật dễ hiểu vì sao, bài kiểm tra của trẻ vẫn cứ 9, 10 điểm mà đến khi hỏi về kiến thức cơ bản thì chẳng còn gì lắng đọng trong đầu chúng nữa. Các em bị nhồi, bị học dồn liên tục trước lúc thi, học ôn theo đề cương và hướng dẫn có sẵn, để rồi đi thi được cho làm đề theo mẫu. Khi ra khỏi mẫu đó, nhiều em không hiểu gì và không thể làm được bài
Tôi là một gia sư bất đắc dĩ nhiều năm qua, chuyên đi dạy thêm cho các em học sinh cấp 2, 3. Với đồng lương văn phòng ít ỏi, nhưng kiến thức phổ thông vẫn chắc nên tôi đi dạy thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Càng thấy học sinh học nhiều, tôi càng thấy chúng bị hổng kiến thức cơ bản ghê gớm. Học lớp 9, đã qua cái tuổi được coi là phải hoc thụ động nhưng nhiều học sinh chưa chủ động học hành, việc học vẫn là đối phó và theo thành tích chung của xã hội.
Ngày hai buổi, trung bình khoảng 8 tiết với 5 môn mỗi ngày, học sinh cũng đã đủ mệt để cõng một ba lô sách vở trên lưng. Chương trình học năm sau nhiều hơn và khó hơn năm trước. Kể cả học sinh học khá giỏi và những em vốn siêng năng cũng cảm thấy vất vả và quá sức. Học xong còn bài tập về nhà, đọc sách giáo khoa, làm sách bài tập của đủ các môn học.
Như thế còn chưa đủ vì ở nhà, phụ huynh còn cho con mình đi học thêm các lớp học nâng cao, bồi dưỡng, ôn thi... Đủ các lớp, lớn thì lo thi lớp chuyên, trường chọn, bé thì lo học năng khiếu, ngoại ngữ, kỹ năng sống…
Nói chung thời nay, dường như trẻ chỉ được sống hồn nhiên, vô tư đúng đến năm 6 tuổi, sau đó chúng phải ở trong guồng quay học hành, thi cử triền miên. Nhiều gia đình có điều kiện, các gia đình ở thành phố dành tổng lực đầu tư cho con. Từ lúc đi mẫu giáo, mới bắt đầu nói sõi tiếng mẹ đẻ, cha mẹ đã cho con đi học ngoại ngữ, hội họa, âm nhạc…
Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về việc kiện toàn kiến thức ngày càng cao nên các phụ huynh ra sức cho con mình học càng nhiều. Ngoài kiến thức sách vở, các em còn phải học nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống. Nhưng ngay cả những ứng xử đơn giản trong trường học, trong cuộc sống, các em nhiều khi không tự mình làm được.
Nhiều phụ huynh đổ lỗi cho chương trình giáo dục nặng nề và thiếu khoa học nhưng chính họ lại tạo áp lực học tập và việc làm tương lai cho các con mình. Họ muốn con giỏi toàn diện, muốn chúng biết tuốt nên cho đi học đủ thứ, đủ môn. Nhưng khi để chúng viết một đoạn văn biểu cảm cảm xúc của bản thân thì chúng không thể tự viết được.
Tôi có một cô bạn đồng nghiệp đang có con học lớp 2 đã cho con đi học thêm đủ các môn, ngoài toán, tiếng Anh và tiếng Việt, cô còn cho con đi học vẽ, nhạc, bơi. Nói chung là cả gia đình cô bạn này đầu tư tổng lực cả tiền bạc, thời gian và công sức cho con mình. Nhưng thỉnh thoảng có vài buổi con bị điểm kém môn Toán, chưa làm bài môn Văn là cô lại buồn, tức giận và đánh mắng con mình.
Sự cầu toàn của phụ huynh, việc chạy theo thành tích của giáo viên và nhà trường làm cho việc học của học sinh bị quá tải, khiến kiến thức trôi nhanh sau khi học.
Học nhiều, khối lượng sách vở và kiến thức khổng lồ nên học sinh không đủ thời gian để tư duy và rèn luyện các kỹ năng lưu trữ kiến thức, vì vậy các em “học trước, quên sau”. Và thế là điệp khúc, học nhồi, học thêm cứ tiếp diễn thành một vòng tròn áp lực và gánh nặng cho các em.
Tác giả: Nguyễn Thị Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí