Ngày học phải nghỉ, ngày nghỉ phải học vì trường quá tải
Năm nay, con chị H. học Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). Do quá tải nên con chị mỗi tuần chỉ học 4 ngày vì không thể đủ lớp học.
“Mình thực sự rất đau đầu vì việc học của con. Mỗi tuần cháu chỉ học vào thứ 2, 3, 6, 7. Theo lịch là nghỉ vào ngày đáng ra được đi học, tức thứ 4 và thứ 5. Nhưng lại đi học vào ngày đáng ra được nghỉ là ngày thứ 7. Do đó, nhiều gia đình chọn cách gửi nhờ cô giáo trông ở nhà riêng với giá từ 150.000 đồng - 200.000 đồng, học 2 môn Toán, Tiếng Việt và tiếng Anh tùy lựa chọn.
Những bố mẹ không có người giúp việc hoặc không có ông bà, vào ngày nghỉ giữa tuần, nhiều khi đành phải mang con lên cơ quan cùng bố mẹ”, chị H. nói.
Cũng theo chị H., cô giáo mở lớp ở nhà để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, còn phụ huynh cũng khó có cách nào khác bởi không thể mang con lên cơ quan hoặc gửi nhà người quen mãi được.
“Điều đáng nói, các gia đình cho con học trường công lập vì không có điều kiện đóng nhiều tiền. Nhưng như thế này, có học sinh đóng thêm khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Nếu không đóng thì con cứ lang thang, chẳng học được chữ nào vào đầu. Các con có thể nghỉ nhưng chúng tôi không hiểu chương trình làm sao đủ bởi nếu nhân lên với số ngày nghỉ, một năm, con chúng tôi mất đúng 1 tháng học.
Học sinh của một trường tại Cầu Giấy, Hà Nội trong năm học trước. (Ảnh: Đ.T). |
Ngoài ra, chưa kể nhiều sự việc đau lòng mà báo chí nêu gần đây khi giáo viên trông trẻ ở nhà, khiến chúng tôi lo sốt vó”, chị H. chia sẻ.
Còn theo anh L.A.C, phụ huynh đang có con học Trường tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho hay, con nhà mình nghỉ ngày thứ 3 và chiều thứ 7.
Trường không có câu lạc bộ gì, có chăng là các lớp tự phát do cô giáo mở ở nhà để đáp ứng nhu cầu trông trẻ của phụ huynh. Vì thế, bất kể nắng, mưa, vào ngày này, anh đều phải cắp con lên cơ quan.
Tại Trường Đại Từ của quận này, học sinh cũng phải nghỉ luân phiên trong tuần. Lịch được xếp sao cho đủ nên rơi vào tình cảnh ngày học ở nhà, ngày nghỉ lại đi học.
Gia đình nào không có điều kiện thì đăng kí trông ngoài với giá một buổi 80.000 đồng, cả ngày 160.000 đồng và có ăn trưa + ở cả ngày thì giá 200.000 đồng/ngày. “Vị chi mỗi tháng, chúng tôi lại phải đóng thêm hàng bao tiền nhưng cũng phải đóng vì không có ai trông con”, một phụ huynh cho biết.
Học sinh tăng bằng cả một trường học
Năm học 2018-2019, lượng học sinh vào lớp 1 của Hà Nội tăng đột biến, khoảng 30.000 em. Do đó, nhiều trường có sĩ số cao gần gấp đôi so với quy định của Bộ GD&ĐT là 35 em/ lớp. Cụ thể như, Tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Đông) 60 em/lớp; Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) 60 em/lớp; Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy) 59 em/lớp; Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ) 60 em/ lớp, Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân) hơn 60 em/lớp…
Riêng Trường Chu Văn An (quận Tây Hồ), số học sinh tăng bằng một trường tiểu học nên có tình trạng 3 học sinh/bàn đầu.
Lãnh đạo quận này phải phân tuyến một số lớp ra 2 trường bên cạnh để giảm tải nhưng vẫn còn căng thẳng.
Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất lên UBND TP phương án mỗi lớp có 2 giáo viên nhưng chưa được “chốt”.
Học sinh tăng bằng cả một trường học (Ảnh minh họa) |
Trao đổi với PV Dân trí ngày 14/9, bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, thực sự là quá tải.
“Năm nay chúng tôi có 23 lớp 1, tăng 16 lớp so với năm ngoái. Số lớp tăng bằng cả một trường tiểu học thế này, chúng tôi không biết làm cách nào. Chỉ mong phụ huynh học sinh cùng chia sẻ. Hiện chúng tôi đã báo cáo bằng văn bản lên các cấp để xin hướng xử lý”, bà Thêu cho biết.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, do khu vực có hơn 70 tòa chung cư nhưng chỉ có 2 trường học nên cơ sở vật chất thiếu thốn, việc bố trí cho học sinh học 4 ngày/tuần như hiện nay là phương án tối ưu.
“Các con đã học thì phải được bán trú cả ngày bởi các con độ tuổi tiểu học chưa tự đi lại được. Nếu học 1 buổi/ngày thì học sinh, phụ huynh còn vất vả hơn và không an toàn cho các con. Không chỉ phụ huynh mà giáo viên, cán bộ nhân viên đều vô cùng vất vả”, bà Thêu chia sẻ.
Trao đổi về lo ngại của phụ huynh khi lịch nghỉ quá nhiều/tuần khiến học sinh không thể đủ thời gian của chương trình/năm, bà Thêu cho hay: “Thực ra, học sinh mất 1 ngày so với mô hình 10 buổi/tuần. Nhưng số tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT ở Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về khung giờ học trong 8 buổi/tuần vẫn đầy đủ.
Chúng tôi phải chọn cách nào tối ưu nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho con khi đến trường. Tiểu học không bắt buộc học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường phải sắp xếp cho các con ngày nào đi học, phải được học cả ngày, không thể học 1 buổi”, bà Thêu chia sẻ.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí