Trong nước

Học Bác để xứng đáng với lá phiếu cử tri

Nhân Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), hướng tới cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc về tư tưởng của Bác Hồ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, về vai trò và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội. ảnh tư liệu

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền

Sau khi giành được độc lập, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là tổng tuyển cử, bầu Quốc hội. Điều đó có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ nền độc lập mà đất nước vừa giành được, thưa ông?

Bên cạnh mục tiêu đấu tranh giành độc lập thiêng liêng cao cả, Bác cũng đã sớm định hình được tư tưởng nhà nước pháp quyền… Năm 1919, tư tưởng đó đã được Bác thể hiện trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị Versailles (Paris, Pháp), sau đó được thể hiện trong “Việt Nam yêu cầu ca” là: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Điều đó cho thấy, sự quan tâm của Bác trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm tự do, dân chủ của nhân dân.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), một trong sáu nhiệm vụ quan trọng được Bác nêu ra, là phải tổng tuyển cử, bầu Quốc hội, lập Chính phủ chính thức, soạn thảo Hiến pháp dân chủ.


Từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đến nay đã là Quốc hội khóa XV, song tư tưởng của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi đại biểu phải luôn nhớ rằng, vào Quốc hội, vào HĐND không phải để tư lợi cá nhân, mưu cầu bổng lộc, mà là để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Ông Nguyễn Trọng Phúc

Đầu tháng 1/1946, ra mắt cử tri Hà Nội để vận động bầu cử Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: Bây giờ đất nước đã giành được độc lập rồi, chúng ta phải có nhà nước dân chủ, phải bầu ra đại biểu Quốc hội- đại diện cho nhân dân. Nhân dân sẽ thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của mình để bầu ra những người đại biểu xứng đáng. Bác cũng nhấn mạnh dân chủ triệt để, dân chủ thực sự. Bác kêu gọi nhân dân thực hiện đầy đủ quyền của mình. Bác nói, mỗi người phải tự tay cầm lá phiếu của mình đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu của mình.

Điều đáng nói là trước thời điểm Tổng tuyển cử, có một bản kiến nghị được hàng trăm các đại biểu làng xã cùng ký tên “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Bác đã viết thư đáp lại: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định”.

Làm đại biểu để phục vụ, chứ không phải mưu cầu bổng lộc

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội có vai trò thế nào đối với đất nước và nhân dân, thưa ông?

Trong tư tưởng của Bác, đại biểu Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Bác cũng nhấn mạnh, những người có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội phải thấy được vinh dự và trách nhiệm của mình với nhân dân, cử tri và đất nước. Bác nói rằng: Đối với những người trúng cử thì phải đem hết sức mình ra để phụng sự, phục vụ tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, đồng thời mang lại lợi ích cho nhân dân và luôn luôn phải đặt lợi ích của công lên trên lợi ích riêng của mỗi con người. Còn đối với những người không trúng cử, cũng đừng vì thế mà buồn, nản chí, mà sẽ cố gắng công việc và góp sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đối với cử tri, Bác nói, mỗi người phải tự tay cầm lá phiếu của mình đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu của mình. Trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, đăng trên báo Cứu Quốc số 134, ngày 5/1/1946, Bác viết: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Kết quả số lượng cử tri đi bầu rất đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu rất cao, trên 98%. Điều đó cho thấy, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc đi bầu cử rất cao; niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, đối với Bác Hồ là rất lớn.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh, chúng ta đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, thưa ông?

Từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đến nay đã là Quốc hội khóa XV, song tư tưởng của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi đại biểu phải luôn nhớ rằng, vào Quốc hội, vào HĐND không phải để tư lợi cá nhân, mưu cầu bổng lộc, mà là để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Đại biểu của dân phải phục vụ nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Còn người không trúng cử cũng phải nhớ lời Bác dặn: Không trúng cử, cũng đừng vì thế mà buồn, nản chí, mà sẽ cố gắng công việc và góp sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Với cử tri, chúng ta cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc đi bầu cử, đừng bầu hộ, bầu thay. Việc đó không chỉ thể hiện trách nhiệm trong việc lựa chọn ra người đại diện cho mình mà còn là trách nhiệm đối với đất nước, đối với hoạt động của Quốc hội. Đi bầu cử vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của công dân. Có đi bầu cử đầy đủ, nghiêm túc, mới lựa chọn được đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND các cấp.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Văn Kiên

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: phiếu cử tri , Bác Hồ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP