Bộ Công Thương vừa phát động chiến dịch Giờ Trái đất Việt Nam 2019 với thông điệp "Save Energy, Save Earth - Tiết kiệm năng lượng, Bảo vệ trái đất" tại Hà Nội.
Trong chuỗi chiến dịch Giờ Trái Đất sẽ có nhiều họat động ý nghĩa như các kết nối cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, tuyên truyền hộ gia đình, kết nối với các nhà máy thực hiện sáng kiến tiết kiệm điện trong sản xuất, nghi thức tắt đèn quốc gia…
Hàng ngàn người đã tiến hành đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2019 |
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết nhu cầu sử dụng điện và năng lượng mỗi năm tăng đến 10%, cao hơn tốc độ tăng của GDP.
"Nếu chúng ta sử dụng điện và năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, thì nền kinh tế nói chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng và gánh nặng về chi phí điện năng cho mỗi gia đình sẽ giảm. Đó chính là lý do vì sao chúng ta phải tiết kiệm năng lượng" - bà Giang nói.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cũng nhấn mạnh việc sản xuất và sử dụng năng lượng là nguyên nhân chính của phát thải khí nhà kính, là tác nhân quan trọng dẫn đến biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người, đến môi trường và trái đất. Do vậy, việc tiết kiệm năng lượng phải luôn song hành với bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng việc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng trong sự kiện Giờ Trái đất không chỉ nhắc nhở tiết kiệm năng lượng mà còn hướng đến một mục tiêu quan trọng nữa, đó là việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
"Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến hiệu quả to lớn, mỗi người góp một hành động sẽ góp phần bảo vệ trái đất" - ông Lâm nhấn mạnh.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê là Đại sứ Giờ Trái Đất Việt Nam 2019 - Ảnh: Ngoisao |
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê sẽ là Đại sứ Giờ Trái Đất Việt Nam 2019. Ngoài ra, chương trình còn có các đại sự khác như ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà; ông Ousmane Dione, Tổng Giám đốc World Bank tại Việt Nam; ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software...
Tại Việt Nam, chương trình Giờ Trái Đất lần đầu tiên được Bộ Công Thương tổ chức vào năm 2009. Theo ban tổ chức, thời điểm bắt đầu kết nối cùng Chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu vào năm 2009, Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, TP trên cả nước tham gia. Nhưng đến nay, sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh thành, với sự hưởng ứng sâu rộng của các tổ chức, các doanh nghiệp, đặc biệt là người dân.
Trong Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018, sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện không cần thiết, cả nước đã tiết kiệm được lượng điện năng là 485.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 834 triệu đồng.
Giờ Trái Đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên thế giới, được tổ chức lần đầu vào năm 2007. Từ đó tới nay, Giờ Trái Đất trở thành sự kiện cộng đồng lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên vào tháng 3 với sự tham gia đông đảo của người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Tính đến nay, đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng Chiến dịch…
|
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động