Theo chân người bạn học cũ, chúng tôi ghé quán lươn gia truyền nổi tiếng của bà Ngọ tại đường Dốc Thiếc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Nghe nói quán của bà đã kinh doanh đặc sản này cách đây hơn 30 năm, từ gánh hàng rong ruổi khắp TP Vinh tới cửa tiệm ngày hôm nay.
|
Dù đã ăn nhiều quán miến lươn ngon ở Hà Nội nhưng tôi vẫn không khỏi tò mò trước những lời có cánh của người bạn học dành cho quán miến lươn ở xứ này. Miến lươn Nghệ An thường được có 2 loại là miến lươn mềm và miến lươn giòn. Tôi chọn cho mình bát miến lươn mềm đặc trưng.
Trong khi chờ lên món, tôi nhìn xung quanh, ai cũng đang tập trung thưởng thức và thi thoảng ngẩng lên hít hà, xuýt xoa. Miến lươn Nghệ An khác miến lươn ở Hà Nội là vị cay rất đặc trưng của miền Trung. Người bạn giải thích vì người dân ở đây thích ăn cay, hơn nữa vị cay sẽ át đi vị tanh của con lươn. Tôi để ý thấy trong bát miến đã có sẵn vị cay mà nhiều người vẫn bỏ thêm ớt để tăng cấp độ.
Không để tôi phải đợi lâu, nhân viên quán đã bưng ra bát miến nóng hổi, thơm phức. Miến mềm, không đứt đoạn. Thịt được chế biến sẫm màu, tẩm ướp đậm đà điểm xuyết là hành răm, hành tây, giá đỗ thật bắt mắt. Húp thìa nước dùng, tôi cảm nhận rõ từng gia vị đang len lỏi trên lưỡi mình. Vị nước ngọt thanh không phải nhờ gia vị mà hoàn toàn tự nhiên.
Bà Ngọ giải thích rằng lươn được bắt ở ruộng, sau khi rửa sạch, lọc thịt thì xương được đun cùng hành củ và gừng nướng để ra nước cốt ngọt chan miến. Khi nước bắt đầu sôi, hạ nhỏ lửa cho sôi liu riu và vớt hết sạch bọt bẩn nổi lên cho nước dùng được trong.
Trong khi đó, thịt lươn sẽ được luộc qua cùng nghệ cho bớt mùi tanh. Đây cũng là điều làm nên sự khác biệt của lươn Nghệ An với các vùng đất khác. Sau đó được tẩm ướp cùng nghệ, ớt và các gia vị khác, lươn được xào đều tay cho đến khi mềm.
Sợi miến trong, dai vừa đủ; thịt lươn thơm, chắc và độ ngọt bùi, cùng các loại rau gia vị thưởng thức khiến tôi không khỏi xuýt xoa. Khi ăn thực khách có thể kèm thêm chút ớt ngâm giấm hay ớt tươi để tăng hương vị cho đúng chất miến lươn của người Nghệ An.
Tác giả: Huy Tùng
Nguồn tin: Báo Người lao động