Giáo dục

Hiệu trưởng không nên tham gia Hội đồng trường?

Tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH khu vực phía Nam, nhiều đại biểu còn băn khoăn về thành phần Hội đồng trường. Có ý kiến cho rằng hiệu trưởng, sinh viên không nên tham gia hội đồng này, thậm chí có đề xuất không cần phải có hội đồng trường.

Chiều 12/12, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH với sự tham gia của đại diện nhiều trường đại học khu vực phía Nam. Đánh giá cao vai trò của hội đồng trường, tuy nhiên các đại biểu còn nhiều băn khoăn về thành phần tham gia.

Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH với sự tham gia của đại diện nhiều trường đại học khu vực phía Nam

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế Luật (ĐHQG TP.HCM) cho rằng vai trò của Hội đồng rất quan trọng và có đối trọng với điều hành của ban giám hiệu trong quản lý hoạt động trường. Tuy nhiên, theo ông Dũng, hiệu trưởng không nên là thành viên hội đồng trường.

“Hội đồng trường là cơ quan quyền lực, không phải cơ quan thực hiện nên sinh viên cũng không nên tham gia. Bởi vì ý kiến của sinh viên có thể chưa đủ chính chắn dễ dẫn tới sự có mặt thành phần này chỉ mang tính hình thức. Bên cạnh đó thành phần hội đồng này đã có những tổ chức đoàn thể, có tiếng nói nên sự tham gia của sinh viên vào hội đồng trường là không cần thiết”, ông Dũng đề xuất.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, nếu coi trường tư thục như một doanh nghiệp có hội đồng quản trị (HĐQT) thì cũng không ổn. Hội đồng quản trị liên quan đến kinh doanh, quyền lợi nếu chia ra định nghĩa trường phi lợi nhuận thì hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Do vậy, HĐQT sẽ dễ dẫn hoạt động của nhà trường theo xu hướng thương mại hóa nhiều hơn. Nên chăng nếu nhà đầu tư muốn khai thác và phát huy vai trò tâm huyết với sự nghiệp giáo dục có thể lập một quỹ đầu tư và tham gia vào hội đồng trường. Như vậy, dù trường công hay tư thì thiết chế quyền lực cũng đều là hội đồng trường.

GS.TS Nguyễn Lộc đề nghị mạnh dạn tăng tỷ trọng người bên ngoài theo mô hình quốc tế vào hội đồng trường

Còn GS. TSKH Nguyễn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thì cho rằng khi bàn về hội đồng trường thì ông sợ sự tự chủ thông qua Hội đồng trường cũng không tăng lên nhiều. “Nếu tiếp tục để tỷ trọng những người trong trường nhiều quá thì tính độc lập của Hội đồng trường cũng như sự tự chủ của trường sẽ rất khó. Tôi đề nghị mạnh dạn tăng tỷ trọng theo mô hình quốc tế qua đó thúc đẩy sự tự chủ của nhà trường mạnh hơn”, ông Lộc đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Lộc cho rằng ở các nước những người chủ tịch hội đồng trường thường là những nhà chính trị gia, doanh nghiệp lớn…năng lực quản lý sẽ mang tính chất lan tỏa từ ngành này qua ngành khác, đủ sức định hướng cho trường ĐH các điều kiện tốt hơn.

Đại diện một trường ĐH tư ở TP.HCM góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH

Trong khi đó, ông Võ Khắc Thường, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Phan Thiết thì ý kiến rằng, “lâu nay ở trường công lập, ban giám hiệu và hiệu trưởng điều hành tất cả bên cạnh còn có sự đóng góp của các đoàn thể, công đoàn. Cũng là người xuất thân từ trường công, theo tôi nhận thấy gần như các hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, quyết định vẫn là hiệu trưởng. Vậy giờ đưa ra thêm một bộ phận làm ảnh hưởng tới nhà trường và đôi khi có sự khó khăn trong điều hành nên theo tôi không cần thiết phải có hội đồng trường”.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, hiệu trưởng trường ĐH Y dược TP.HCM cho rằng: “Cần quy định bồi dưỡng chức danh hội đồng trường, làm sao để mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu phải tương đối độc lập. Chúng ta cố gắng tăng vai trò của hội đồng trường, không muốn trở thành bộ thu nhỏ quản ban giám hiệu trường làm ảnh hưởng đến hoạt động của ban giám hiệu”.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng còn nhiều băn khoăn về vấn đề tự chủ ĐH. Ông Tuấn nói: “Tôi không biết Chính phủ sẽ quy định điều này như thế nào khi mà luật chưa thể hiện rõ ràng. Vì ngay cả với 23 trường đã được thí điểm tự chủ nhưng vẫn băn khoăn rất lớn vì còn cảm thấy bức bối. Do vậy vấn đề ở đây là tự chủ tới đâu”. Theo ông Tuấn, nhà nước chỉ nên tập trung vào 3 điểm: mục đích của quản lý nhà nước, cấp ngân sách như thế nào, xây dựng được quy chế đảm bảo tính giải trình. Còn lại việc khác hãy để cho các trường tự chủ nhưng Luật cần nêu rõ trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH khi thực hiện tự chủ.

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP