Nuôi cá trắm, rô phi trong lồng là mô hình do Trung tâm khuyến nông tỉnh chỉ đạo và dưới sự trực tiếp triển khai của Trạm khuyến nông huyện với tổng đầu tư cho mô hình hơn 51 triệu đồng. Gia đình anh Lý Văn Ngọ ở bản Nga My, xã Châu Nga là hộ được chọn thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá trắm, rô phi trong lồng. Với mô hình này, gia đình được hỗ trợ giống cá trắm 750 con và hơn 1.000 con cá rô phi nuôi trong 6 lồng. Hai giống cá này sinh trưởng nhanh và dễ thích nghi với môi trường, tỉ lệ sống của cá trắm là 70%, cá rô phi là 100%. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng cá rô phi đã đạt 0,8kg, cá trắm đạt 2,4kg. Với giá bán 80.000 đồng/kg với cá trắm và 50.000đồng/kg thì gia đình thu về hơn 48 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá, anh Ngọ cho biết: “Khi cho cá ăn nên cho thức ăn xuống nhiều đợt để tất cả cá đều được ăn và hàng ngày phải theo dõi hoạt động của cá, theo dõi tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Đồng thời, hàng ngày phải vớt thức ăn thừa ở trong lồng trước khi cho cá ăn đợt tiếp. Với hình thức nuôi lồng này cá phát triển rất nhanh và ít dịch bệnh”. Mô hình nuôi cá trắm, cá rô phi trong lồng của gia đình anh Lý Văn Ngọ
Bên cạnh đó thì trong năm 2016, Ban tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã triển khai hỗ trợ 127 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi Gà sinh sản an toàn sinh học với 6 hộ tham gia. Gia đình anh Lô Văn Cương ở bản Thanh Sơn, xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu là một trong 6 hộ nuôi thí điểm thành công mô hình: Gà sinh sản an toàn sinh học. Từ mô hình này, gia đình được cấp 42 con gà giống Ai Cập và máy ấp trứng để nuôi thí điểm. Sau 10 tháng, trọng lượng gà trống đạt 3,2 kg, gà mái đạt 1,8kg và đã cho các lứa trứng để ấp.
Giống gà Ai Cập có các đặc điểm: gà sao, lông trắng đen, chân chì, mình thon,với giống gà này phải chăm sóc rất cẩn thận, phải che chắn gió vào mùa lạnh và kiểm tra thường xuyên, phát hiện những dấu hiệu bất thường để có những biện pháp chăm sóc kịp thời. Anh Cương chia sẻ : “ Nuôi giống gà này phải kiên trì vì khi gà lớn tầm 0,7 -1kg thường dễ mắc dịch bệnh và chết. Vì vậy, phải theo dõi gà thường xuyên, nếu có biểu hiện bất thường,có dấu hiệu gà bệnh, chết phải trộn thuốc vào thức ăn cho gà.” Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn cho người dân cách ấp trứng hiệu quả từ máy ấp trứng.
Mô hình kinh tế Nuôi cá trắm, rô phi trong lồng và Nuôi gà sinh sản an toàn sinh học là hai mô đạt năng suất cao, con giống sinh trưởng nhanh, dễ thích ứng với môi trường, rất phù hợp với địa hình và khí hậu của xã Châu Nga. Từ các mô hình này, nhân dân được tiếp cận và nâng cao kiến thức về chăn nuôi để học tập, phát triển kinh tế phù hợp với từng hộ gia đình.
Châu Nga là xã còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện với tỉ lệ hộ nghèo chiếm 56,7 %. Đây cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ ngày 14/9 nhiều diện tích lúa nước, hoa màu bị san lấp không có khả năng khôi phục để sản xuất. Hiệu quả bước đầu của 2 mô hình sẽ tạo được hướng đi mới phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con xã Châu Nga. Tác giả bài viết: Hà Thảo
Nguồn tin: