Kinh tế

Hiệu quả kép từ đa dạng dịch vụ hậu cần nghề cá

Không chỉ mặt hàng nước mắm truyền thống, hiện nay, để cạnh tranh, đứng vững trên thị trường, bà con làng nghề chế biến hải sản Diễn Châu đã đa dạng các mặt hàng. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động làng nghề và thúc đẩy nghề khai thác phát triển.

Với việc sản xuất nước mắm gặp nhiều khó khăn, năm 2013, gia đình chị Đào Thị Oanh, làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, Diễn Ngọc quyết định đầu tư thêm máy hấp, kho lạnh để chế biến mặt hàng tôm nõn, sứa khô, mực khô. Nhờ được hấp sấy đảm bảo chất lượng nên hải sản khô của chị đã có mặt ở rất nhiều tỉnh thành, các điểm du lịch cả nước như Cửa Lò, Hà Nội, Huế, Đã Nẵng…
Chị Đào Thị Oanh chuẩn bị mặt hàng tôm nón cho dịp Tết sắp tới
Với 30 tấn tôm nõn, hơn 100 tấn sứa khô, mực khô, cá khô đã mang về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình chị. Chị Oanh chia sẻ: Mọi năm, có tháng bán 4 tấn tôm nõn. Chị em công nhân thu nhập ổn định 3 triệu trở lên. Nếu mà bán tươi thì không thể hết được mà giá thành rẻ nên nghề của mình cũng tiêu thụ được rất nhiều cho ngư dân, đảm bảo giá cả cho bà con ngư dân.
Mặt hàng cá phi lê được tiêu thụ mạnh ở làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn
Còn đối với gia đình bà Trần Thị Chuyên ở xã Diễn Ngọc thì cùng với duy trì sản xuất 150 nghìn lít nước mắm, ruốc mỗi năm thì để đa dạng sản phẩm, tăng kinh tế gia đình, bà đã mở thêm xưởng chế biến cá phi lê và đầu tư dây chuyền sản xuất bột cá. Bà còn đầu tư cho hơn 50 tàu cá lương thực, nhiên liệu ra khơi để đảm bảo ổn định nguồn hàng cho xưởng sản xuất. Với đầu ra ổn định tại thị trường các tỉnh phía nam, những tháng cao điểm cơ sở sản xuất hơn 100 tấn cá phi lê, hơn 200 tấn bột cá, tạo việc làm cho hơn 60 lao động trên địa bàn.

Bà Chuyên cho biết: Từ khi đa dạng ngành nghề nên kinh tế gia đình phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ. Trẻ em nghỉ hè cũng có điều kiện đi làm để đỡ vất vả cho bố mẹ tiền học.

Sứa khô được đóng thùng đưa đi tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu
Nếu như trước đây, bà con làng nghề chế biến hải sản ở Diễn Châu chỉ tập trung cho các mặt hàng truyền thống như nước mắm, ruốc, tuy nhiên, việc tiêu thụ khó khăn, chưa thực sự khai thác hết tiềm năng nguồn hải sản.

Đứng trước thách thức, bà con phải đổi mới hoạt động. Cùng với sự đầu tư, khuyến khích từ phía chính quyền các cấp, bà con làng nghề đã mạnh dạn du nhập thêm nhiều nghề mới như chế biến cá phi lê, tôm nõn, sứa khô, sứa tẩm gia vị, thịt ghẹ, mực khô, bột cá… Từ đầu năm đến nay, bà con các làng nghề đã chế biến được hơn 5 triệu lít nước mắm, 1.700 tấn ruốc, 5000 tấn chượp và gần 7000 tấn hải sản khô, 10.000 tấn bột cá. Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh đầu tư xây dựng các kho đông lạnh và mở rộng thị trường, nên các doanh nghiệp chế biến ở Diễn Châu đã xuất khẩu được 3000 tấn hải sản các loại sang các nước như: Trung Quốc, Malaixya, Lào… Thông qua chế biến, giá trị hải sản đã tăng lên đến 20%.

Mỗi năm, bà Trần Thị Chuyên ở xã Diễn Ngọc vẫn duy trì sản xuất 150 nghìn lít nước mắm
Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT Diễn Châu trao đổi: Hiện nay chúng tôi đang giúp bà con mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hải sản khô, vừa tiêu thu trong nước, vừa xuất khẩu, rồi hình thành hiệp hội tôm nõn Diễn Bích, Diễn Ngọc, tạo giá trị gia tăng cao hơn so với bán thô như trước đây.

Từ việc nhiều sản phẩm hải sản của ngư dân khai thác về được bán thô hiệu quả thấp thì nay khoảng 15 nghìn tấn hải sản, chiếm gần 50% tổng sản lượng được chế biến mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 5000 người. Từ con số trên cho thấy hiệu quả từ đa dạng nghề chế biến hải sản và các dịch vụ đi kèm. Qua đó, tạo tiền đề để Diễn Châu đang xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của sản phẩm hải sản chế biến trên thị trường

Tác giả bài viết: Mai Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP