Thắng lợi này là một bước quan trọng để ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới cho toàn dân tộc Việt Nam, thời kỳ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Đã 77 năm trôi qua kể từ ngày 2/9/1945, khi cuộc sống tiếp diễn, những kỷ vật lịch sử vẫn tiếp tục được bảo tồn với nhiệm vụ kể lại cho các thế hệ trẻ về những năm tháng vàng son của dân tộc và về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ quần áo Kaki “đi theo” Bác trong ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là nơi lưu giữ nhiều hiện vật đặc biệt, gắn liền với ngày Độc lập 2/9/1945, trong đó phải kể đến bộ quần áo Kaki mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Chiếc áo này được may bốn túi, đã bạc màu, sờn cổ nhưng khi nhìn bào bộ quần áo này, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rõ “sức mạnh dân tộc” trong một di vật hết đỗi giản dị.
Kể lại câu chuyện về bộ quần áo Kaki này trong buổi trưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2/9”, được tổ chức vào năm 2020, Bảo tàng cho biết trong thời gian xây dựng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), đơn vị đã tiếp nhận một bộ quần áo Kaki màu vàng nhạt, có phần bị sờn cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là một kỷ vật đã gắn bó với Bác trong thời gian dài từ sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, đồng hành cùng Người trong những sự kiện trọng đại như Lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9/1945; chủ trì các cuộc họp của Chính phủ, của Quốc hội… đặc biệt là những cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào Việt Nam cũng như Việt kiều ở nước ngoài.
Bộ quần áo Kaki Bác Hồ mặc trong ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: St |
Được biết, vào năm 2008, Bảo tàng đã tìm gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô để xác minh nguồn gốc bộ quần áo Kaki này.
Trong buổi gặp gỡ này, bà Hồ kể lại vào ngày 24/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Ngôi nhà này vốn của gia đình ông Trịnh Văn Bô nhưng được sử dụng làm cơ sở hoạt động cách mạng. Bà Hồ cho biết khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong ban Thường vụ Trung ương Đảng quay lại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người chỉ mặc chiếc áo nâu, quần sóc và vai đeo một chiếc túi dết bạc màu. Bà Hồ lúc này đề xuất với ông Nguyễn Lương Bằng rằng mỗi người trong ban Thường vụ Trung ương Đảng cần có một bộ quần áo sang trọng để ra mắt quốc dân đồng bào.
Thời gian ấy, vải vốn là một loại mặt hàng hiếm, trong khi đó, ông Trịnh Văn Bồ lại có nhiều bộ đồ đẹp, vốn may chỉ để quảng cáo chứ không thường xuyên mặc. Vậy nên bà Hồ đã đem những bộ đồ này ra, nhờ hiệu may sửa chữa lại để tặng cho các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh…
Còn riêng với Bác Hồ, bà đã đặt may tặng Bác 2 bộ quần áo kaki.
Khi ấy, Bác Hồ gợi ý chiếc áo may cho Bác không cần cầu kỳ, sử dụng loại vải dễ mặc, có thể cài khuy kín cổ hoặc mở ra cũng đều tiện lợi. Ngày 30/8, chiếc áo được đem đến để Bác thử. Khi ướm thử, Bác ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười hài lòng: “Được, thế này là hợp với mình. Một chiếc áo vừa toát lên vẻ trang trọng nhưng không làm giảm đi sự gần gũi với đông đảo dân chúng”.
Chiếc áo Kaki này sau đó đã được Bác mặc trong ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chứng kiến thời khắc lịch sử nhất của dân tộc. Theo thời gian, bộ quần áo Kaki đã sờn cũ nhưng nhìn vào đó, hình ảnh Bác Hồ trong ngày Độc lập 2/9/1945 vẫn hiện lên thật giản dị, gần gũi và đầy sự tận tuỵ.
Chiếc micro lễ đài 2/9
Một kỷ vật đặc biệt khác trong ngày Độc lập năm 1945 được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lưu giữ là chiếc micro Bác dùng để đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Chiếc micro này cũng là một minh chứng lịch sử cho ngày 2/9/1945.
Trong những ngày những ngày thiếu thốn của buổi đầu giành được chính quyền, người đã chuẩn bị chiếc micro này cho sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước là ông Nguyễn Dực - con trai học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh. Khi ấy, ông Nguyễn Dực được điều lên chuẩn bị cho khâu phóng thanh buổi lễ 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, trong thời gian diễn ra buổi lễ, ông Dực đã đứng thường trực ngay dưới gầm lễ đài để theo dõi dòng điện, tiếng loa.
Chiếc micro lễ đài 2/9 được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Ảnh: St |
Trong cuốn hồi ký kể lại ngày trọng đại của dân tộc, ông Dực viết: "Khi vừa chào cờ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn vào ba chiếc micro, rồi khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Philips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng ‘phù’ từ các loa dội lại khá to. Người lùi lại một chút rồi nói: ‘Tôi nói đồng bào nghe rõ không?’ Phía dưới lập tức vang lên: ‘Có ạ!’".
Câu hỏi “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” đến nay đã trở nên thân quen với viết bao thế hệ trẻ và vẫn được phát lại trong mỗi dịp kỷ niệm của đất nước, là một trong những ký ức sống động nhất về ngày Độc lập năm 1945.
Bộ kèn đồng trong Ngày độc lập
Theo tư liệu lịch sử được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ghi lại, năm 1924, Đội kèn Bảo an binh đã được thành lập trực thuộc Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Toàn bộ nhạc công đều là người Pháp, số người Việt có thể sử dụng thành thạo nhạc cụ phương Tây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiệm vụ chính của đội ken đồng là phục vụ các sự kiện của chính quyền thành phố và quân đội Pháp.
Theo thời gian, ngày càng có nhiều người Việt Nam học nhạc và được tuyển vào đội kèn, thay thế các nhạc công Pháp. Tháng 8/1945, khi cao trào cách mạng ngày càng phát triển, các nhạc công người Việt đồng loạt rời. đội kèn Bảo an binh và gia nhập đội quân cách mạng.
Sau thắng lợi “long trời lở đất” của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 20/8/1945, Ban nhạc Giải phóng quân được thành lập với 75 nhạc công do đồng chí Đinh Ngọc Liên làm nhạc trưởng, nòng cốt là các nhạc công của đội kèn Bảo an binh. Ban nhạc đã luyện tập các ca khúc cách mạng để biểu diễn phục vụ buổi lễ thành lập nước.
Với niềm tự hào, tự tôn dân tộc và dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, 75 nhạc công của Ban nhạc Giải phóng quân đã dành trọn tâm huyết vào từng nốt nhạc, sử dụng chuẩn xác các loại kèn hiện đại nhất thời bấy giờ.
Bộ kèn đồng được sử dụng trong buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: St |
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, ban nhạc đã xướng lên những giai điệu trầm hùng, hào sảng của các ca khúc: Diệt phát xít, Giải phóng quân, Chiến sĩ Việt Nam... mang đến sự rộn ràng nhưng không kém phần trang trọn cho buổi lễ. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ban nhạc tiếp tục làm tròn nhiệm vụ, xướng lên những âm hưởng hào hung của bài Tiến Quân Ca.
Sau buổi lễ, Ban nhạc Giải phóng quân tiếp tục phục vụ nhân dân, chiến sĩ ở khắp các mặt trận Khu 3, Khu 4, Việt Bắc... Ở mỗi nơi, ban nhạc đều “để lại” tiếng kèn rộn rang những giai điệu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ.
Bài viết dựa trên tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Tác giả: Minh Hạnh
Nguồn tin: ĐS&PL/NĐT