Du lịch

Hiếm, lạ đặc sản “cá nhảy” ở Sơn La

Những con cá nhỏ đang còn sống, nhảy tanh tách trong chậu được người Thái ở Sơn La chế biến trực tiếp và đưa lên miệng. Không ai bảo ai, thực khách nào cũng xuýt xoa khen ngợi và ngưỡng mộ về một nền ẩm thực độc đáo.

Cùng với pa pỉnh tộp – món cá nướng đặc biệt của người Thái ở Sơn La thì cá nhảy cũng là món ăn quen thuộc trong nhiều gia đình. Đặc biệt, người dân nơi đây rất chuộng cá suối vì hương vị thơm ngon đặc trưng. Từ cá có thể chế biến thành nhiều món: cá kho, rán, nướng, gỏi hoặc làm khô để dự trữ, nhưng món cá nhảy vẫn được coi là lạ lẫm và độc đáo nhất.

Món cá nhảy tuy cách chế biến khá đơn giản nhưng lại kén người ăn nên không được phổ biến tại nhiều địa phương. Điểm khác biệt của món này chính là ở cách ăn rất lạ lùng. Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.

Cá để làm món cá nhảy chỉ to bằng ngón tay.

Mỗi năm người dân chỉ được một mùa lúa nước. Khi bắt đầu cấy cũng là mùa cá chép đẻ trứng. Lúc này, họ lấy trứng cá chép bám vào hoa lục bình thả vào ruộng. Đợi đến mùa lúa chín vàng, bà con chỉ việc tháo nước ở ruộng ra và bắt cá chép về. Cá ở đây chỉ ăn hoa gạo nên rất bé, chỉ bằng ngón tay hoặc to hơn một chút.

Muốn có món cá nhảy đúng chuẩn, người dân phải chọn loại cá được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, thả vào chậu nước sạch thấy còn bơi khoẻ là đạt yêu cầu. Cầu kỳ hơn, có người đem cá rửa thật sạch xong ngâm vào chậu nước muối để cá tiết hết những thứ bẩn ở trong. Sau đó, họ mang ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa.

Món này chế biến khá đơn giản nhưng yêu cầu phải đầy đủ nguyên liệu, bao gồm lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng và có mùi thơm đặc trưng. Những nguyên liệu này vừa tạo vị, vừa có tác dụng làm bớt mùi tanh của món cá nhảy

Mắc khén là nguyên liệu không thể thiếu nếu muốn món ăn đúng vị.

Khi ăn, người ta bắt cá trực tiếp từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Khi mổ cá phải nhanh tay để cá vẫn còn sống, thả ra còn có thể giẫy được. Cá mổ đến đâu thì ăn đến đó, như vậy thịt mới giòn ngọt, không có mùi tanh. Mỗi thực khách dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.

Thực khách sành ăn sẽ nhận ra ngay, món ăn có vị giòn, ngọt của thịt cá và lõi chuối, vị chua của nước măng, vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể tưởng tượng ra hương vị. Thêm nữa, cũng không nhiều người dám bỏ miếng cá sống vào miệng thưởng thức ngay lập tức.

Cá nhảy là món ăn phổ biến tại các gia đình người Thái ở Sơn La.

Điều đặc biệt của người Thái ở Sơn La khi ăn món cá nhảy là thường ăn vào buổi trưa với sự tham gia của đông người trong không khí ấm cúng, đoàn kết. Đây cũng chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp luôn được đồng bào lưu giữ.

Nhiều người khi chứng kiến cách chế biến thì cho rằng đây là đây là món ăn thiếu an toàn vệ sinh. Tuy nhiên với đồng bào dân tộc Thái, đây lại là món ăn hiếm khi thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình, nó thể hiện bản sắc và văn hóa được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Tác giả: Hoàng Ngọc

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP