Theo Global Times, nữ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã trở thành chủ tịch và đại diện pháp lý của công ty cảng container quốc tế Sán Đầu (SICT) ở tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc. Thông tin trên được trang thông tin guancha.cn cho biết hôm 7/1.
Việc đổi chủ công ty diễn ra vào ngày 12/12. SICT có vốn điều lệ là 88 triệu USD và là thành viên của mạng lưới cảng quốc tế Hutchison. SICT có 3 mạng lưới tàu nối Hong Kong, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Vào tháng 8/2017, bà Yingluck đã bí mật trốn khỏi Thái Lan và được cho là đã tới Anh qua hộ chiếu của nước thứ 3.
Bà Yingluck trốn khỏi Thái Lan để chạy trốn bản án của toà án tối cao nước này với mức án phạt tới 5 năm do liên quan đến chương trình lúa gạo gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế đất nước.
Nữ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck. |
Hồi tháng 8/2018, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thông báo chính quyền đã yêu cầu Anh dẫn độ bà Yingluck về nước. Reuters dẫn lời Thủ tướng Prayut cho biết yêu cầu này dựa trên hiệp ước dẫn độ ký kết giữa hai nước vào năm 1911.
"Chúng tôi không thể bắt giữ người đang ở quốc gia khác, vì vậy chúng tôi trông chờ nước Anh bắt và đưa (bà Yingluck) về Thái Lan", ông Prayut phát biểu hôm 31/7.
Tháng 8/2017, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra rời khỏi Thái Lan để tránh việc ngồi tù sau cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi của bà bị cáo buộc khiến Thái Lan thất thoát hàng tỷ USD ngân sách.
Em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng bị lật đổ trong đảo chính giống bà Yingluck, bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng phiên tòa xét xử bà có động cơ chính trị.
Đến tháng 9/2017, tòa án Thái Lan đã tuyên án vắng mặt đối với bà Yingluck, mức án 5 năm tù. Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ tìm mọi cách để xác minh nơi ở và đưa cựu Thủ tướng về nước.
Bà Yingluck là người Thái gốc Trung Quốc thế hệ thứ 4 và gia tộc của bà được đồn đoán là có các mối quan hệ cấp cao tại Trung Quốc. Hồi đầu tháng này, bà Yingluck cùng anh trai Thaksin đã có chuyến đi về quê cha đất tổ ở làng Taxia, Quảng Đông. Hai anh em cựu Thủ tướng Thái Lan đã được những người họ hàng tại Trung Quốc chào đón nhiệt tình.
Sự xuất hiện của hai nhân vật này ở Trung Quốc xảy ra vào thời điểm chính trường Thái Lan đang rơi vào tình trạng bấp bênh. Tuần rồi, chính quyền Thái Lan lại một lần nữa trì hoãn cuộc bầu cử đã được lên kế hoạch vào tháng 2.
Giáo sư Chong Ja Ian tại ĐH Quốc gia Singapore cho rằng cách tiếp cận cẩn trọng của Trung Quốc đối với chuyến thăm của anh em cựu Thủ tướng Thái Lan đã cho thấy sự dè dặt của Bắc Kinh với chính trị nội bộ của Thái Lan. "Chính phủ Trung Quốc muốn cẩn thận trong việc sẽ chọn ủng hộ ai dù cho họ có thể đang tìm cách hợp tác với tất cả các bên"- ông Chong nhận định.
Tác giả: Vũ Thu Hương
Nguồn tin: Báo Người đưa tin