Thế giới

Hé lộ cách Triều Tiên đào tạo đội quân công nghệ cao

Triều Tiên được cho là sẽ lựa chọn những học sinh xuất sắc nhất về toán và khoa học để đào tạo họ trở thành những chuyên gia hàng đầu về máy tính, hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế và quân sự của Bình Nhưỡng.

Ri Jong Yo (thứ hai từ trái sang) cùng đoàn học sinh Triều Tiên dự Olympic toán quốc tế tại Hong Kong năm 2016 (Ảnh: SCMP)

Là một thiên tài toán học ở độ tuổi thiếu niên, Ri Jong Yol từng được xem là ứng cử viên sáng giá cho đội quân chuyên trách về tấn công mạng của Triều Tiên. Ri từng giành huy chương bạc trong cuộc thi Olympic toán học quốc tế dành cho học sinh phổ thông được tổ chức ở Hong Kong năm 2016.

Tuy nhiên, ngay trước đêm chuẩn bị rời Hong Kong để trở về quê nhà cùng đoàn học sinh Triều Tiên, Ri, 18 tuổi, đã đã trốn ra khỏi ký túc xá của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong để đào tẩu. Theo Kim Heung-Kwang, cựu giáo sư khoa học từng bỏ trốn khỏi Triều Tiên, Ri hiện theo học tại một trường đại học ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ngoài ra, các thông tin khác về thanh niên đào tẩu này gần như rất ít.

Theo ông Kwang, người đang điều hành một tổ chức phi chính phủ với sứ mệnh hỗ trợ quyền của những người đào tẩu, nếu Ri không bỏ trốn mà quay về Triều Tiên, nam sinh này có thể trở thành một nhà toán học hoặc gia nhập đơn vị chuyên phụ trách các cuộc tấn công mạng của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đội quân tin tặc này được cho là có hàng nghìn thành viên.

Theo Martyn Williams, biên tập viên của North Korea Tech - trang mạng chuyên về Triều Tiên tại San Francisco, Mỹ, ở các quốc gia khác, các tin tặc thường là những người tự học và phát triển kỹ năng. Trong khi đó tại Triều Tiên, người dân không được kết nối internet tại nhà và rất ít người sở hữu máy tính riêng. Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền Triều Tiên tự chọn lựa những cá nhân ưu tú và huấn luyện họ thành các tin tặc chuyên nghiệp.

“Hệ thống đào tạo (tin tặc) mà Triều Tiên đang vận hành không giống các nước khác trên thế giới”, ông Williams cho biết.

Quy trình đào tạo

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trao đổi với các quân nhân cạnh màn hình máy tính (Ảnh: AFP)

Theo ông Williams, toán và khoa học là hai môn được đẩy mạnh đào tạo tại các trường tiểu học ở Triều Tiên và những học sinh xuất sắc nhất trong hai môn này sẽ được tiếp xúc với máy tính. Sau đó, những học sinh có năng khiếu về máy tính sẽ tiếp tục được đào tạo chuyên sâu tại một loạt trường học đặc biệt chuyên về lập trình.

Từng là một giáo sư tại Triều Tiên, ông Kim Heung-Kwang tiết lộ có hàng trăm sinh viên được đào tạo về máy tính ở Triều Tiên và 70% số sinh viên tốt nghiệp là nam giới. Nhiều học sinh tại Triều Tiên sẽ tham gia vào các cuộc thi lập trình được tổ chức trên toàn quốc và những người giỏi nhất sẽ được đưa vào các trường đại học hàng đầu.

Theo ông Williams, các sinh viên có thể theo học tại Đại học Kim Nhật Thành hoặc Đại học Công nghệ Kim Chaek để phát triển các kỹ năng liên quan tới phần mềm thông thường. Trong khi đó, những nhà lập trình xuất sắc nhất sẽ được cử đến Đại học Moranbong hoặc Cao đẳng Mirim - những nơi tốt nhất để đào tạo tin tặc cho Triều Tiên.

Việc xây dựng trường học để đào tạo các lập trình viên cũng như tin tặc tương lai tại Triều Tiên dường như là một phần trong tầm nhìn mở rộng của các nhà lãnh đạo Triều Tiên từ nhiều thập niên trước, với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế và quân sự của quốc gia Đông Bắc Á này.

Năm 1996, cố lãnh đạo Kim Jong-il được cho là đã tuyên bố trước một nhóm binh sĩ rằng “tất cả các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ là chiến tranh máy tính”. Dù nhiều nước phương Tây cho rằng các nhà lãnh đạo Triều Tiên đang điều hành đất nước theo hướng tụt hậu, song thực chất họ đã nhận ra tầm quan trọng của máy tính từ rất sớm.

“Đó là sự nhìn xa trông rộng từ sớm và rốt cuộc lại là hướng đi tốt cho Triều Tiên”, ông Williams nhận định.

Hiện đội ngũ tin tặc Triều Tiên bị cáo buộc đứng sau một loạt các cuộc tấn công mạng trên quy mô toàn cầu, như vụ tấn công hãng phim Sony Pictures năm 2014 gây thiệt hại hàng chục triệu USD. Ngoài ra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng nghi ngờ tin tặc Triều Tiên đứng sau vụ trộm 81 triệu USD từ ngân hàng trung ương Bangladesh hồi năm ngoái. Một số chuyên gia từng lo ngại rằng các tin tặc Triều Tiên thậm chí có thể tấn công hệ thống giao thông và thông tin liên lạc cũng như cơ sở hạ tầng trọng yếu của các nước phát triển trong tương lai.

Tác giả: Thành Đạt (Theo NBC)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP