Xã hội

Hậu bão số 16, hàng chục nghìn ha lúa đổ ngã, 38 căn nhà hư hỏng

Theo báo của tỉnh Kiên Giang, An Giang, mặc dù bão số 16 không vào đất liền, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão gây mưa lớn, kèm gió mạnh... đã khiến hàng chục nghìn ha lúa đổ ngã, 38 căn nhà sập, tốc mái…

Tại Kiên Giang, 4 huyện nằm trong vùng U Minh (huyện An Minh, AN Biên, Vĩnh Thuận và huyện U Minh Thượng) bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của báo số 16. Những cơn mưa lớn kèm gió mạnh đã làm hàng chục ngàn ha lúa vụ mùa (lúa - tôm) và lúa đông xuân sớm đang trong giai đoạn trổ, chín, rất dễ bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất.

Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều ngày 25 đến sáng 26/12 trên địa bàn huyện đã có mưa liên tục và gió lớn.

Theo thống kê nhanh, toàn huyện đã có 12.600ha lúa vụ mùa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm, chiếm khoảng 80% trà lúa còn lại của huyện, bị sập, đổ ngã do mưa bão, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Theo ông Khánh, theo kế hoạch địa phương đã huy động lực lượng giúp dân thu hoạch 1.000ha lúa chạy bão, tuy nhiên chỉ thu hoạch được 440ha thì mưa lớn kéo dài nên ngưng việc thu hoạch lúa.

Đối với những diện tích lúa đến kỳ thu hoạch bà con đang khẩn trương gặt lúa

Còn tại huyện An Biên, diện tích lúa vụ mùa gần 8.000ha và lúa đông xuân sớm 9.598ha đều đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Trước dự báo tình hình “oanh tạc” bão số 16, địa phương huy động lực lượng giúp dân thu hoạch nhưng không được nhiều vì phải tập trung cho nhiều công việc cùng lúc và có 450ha bị đổ ngã.

Huyện Vĩnh Thuận có 4.134ha lúa mùa bị đổ ngã; huyện U Minh Thượng có 1.006ha bị đổ ngã. Đối với những diện tích lúa chín người dân đang khẩn trương thu hoạch lúa, còn những diện tích lúa chưa chín, người dân tổ chức bơm thoát nước… “cứu” lúa.

Theo nhiều người dân huyện An Biên, cho biết, nếu lúa không đổ ngã, người dân thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ tốn hơn 300.000 đồng/công; khi lúa đổ ngã, không thu hoạch bằng máy được người dân phải thuê nhân công gặt lúa, chi phí tăng lên 700.000 - 800.000 đồng/công.

Tuy bão 16 suy yếu không vào đất liền những đã làm 18.190ha lúa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đổ ngã. Ngoài ra, mưa, gió những ngày qua làm 7 căn nhà hư hỏng, trong đó 1 căn sập và 6 căn còn lại bị tóc mái.

Với những diện tích lúa bị ngã thế này, người dân thuê người gặt lúa với giá từ 700.000 -800.000 đồng/công thay vì gặt máy chỉ 300.000đồng/công

An Giang, theo báo cáo Sở NN&PTNN tỉnh này, do ảnh hưởng bão số 16 mấy ngày qua và hoàn lưu sau bão đã làm 47 căn nhà bị hư hỏng, trong đó có 31 căn tốc mái, 10 căn nhà xiêu vẹo, 06 căn sập hoàn toàn. Hiện người dân và chính quyền địa phương hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đang tập trung sửa và dựng lại nhà, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Riêng về cây lúa, hoa màu đã có hàng ngàn ha lúa bị thiệt hại. Cụ thể, vụ lúa Thu Đông tại huyện Phú Tân có 307ha lúa bị đổ ngã với tỷ lệ từ 30-100% (có 2ha bị đổ ngã 100%); huyện Tri Tôn có 70ha xoài bị rụng trái với tỷ lệ 30-50%.

Đối với vụ Đông Xuân 2017-2018 tại TP Long Xuyên có 248ha giai đoạn mạ bị ngập nước với tỷ lệ 10-30%; các huyện, thành còn lại chưa ghi nhận thiệt hại gì.

Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang nhận định, nước sông thấp hơn nước trong ruộng, do vậy việc tháo nước đối với những diện tích lúa bị ngập nước được thuận lợi, không gây thiệt hại đáng kể.

Riêng Đồng Tháp, theo báo cáo của tình, bão số 16 không gây thiệt hại đáng kể nào cho địa bàn tỉnh, từ hoa màu, nhà cửa đến tính mạng người dân.

Sáng ngày 27/12 trên địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp có nắng nhẹ, sau đó xuất hiện mưa rải rác. Riêng tỉnh Kiên Giang, từ 15h TP Rạch Giá xuất hiện mưa lớn từng đợt…

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP