Hành trình chuyển đổi số của Đà Nẵng và tầm nhìn dài hạn |
Trung tâm công nghệ cao bao gồm công nghiệp và du lịch theo hướng bền vững với 5 nhóm ngành mũi nhọn. Những nhóm ngành mũi nhọn bao gồm du lịch; logistics và cảng biển, hàng không; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Đây là chiến lược phát triển gắn liền không thể tách rời với quá trình chuyển đổi số ở cả doanh nghiệp lẫn các cấp chính quyền.
Hiểu đúng về chuyển đổi số
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc số hóa các giấy tờ, tài liệu, hoạt động của lên môi trường số mà còn bao gồm việc thay đổi mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng số. Theo đó quá trình số hóa trở thành một công cụ để tạo nên những giá trị mới thay vì là một đích đến của quá trình chuyển đổi. Dưới góc độ đó, việc chuyển đổi số có thể được xem là quá trình đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ, quy trình mới có giá trị gia tăng cao hơn.
Về phía doanh nghiệp, chuyển đổi số hướng đến phát triển sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh. Về phía Chính phủ, quá trình chuyển đổi số không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính công, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ công dựa trên công nghệ số và dữ liệu, thậm chí có thẻ cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.
Hành trình chuyển đổi số của Đà Nẵng
Không phải đến năm 2021 Đà Nẵng mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Trên thực tế, Đà nẵng đã có những bước phát triển căn cơ, đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số từ năm 2014 và đã đạt được những thành tựu nhất định.
Với sự tư vấn từ các chuyên gia tập đoàn IBM, ngay từ năm 2014, Ðà Nẵng đã ban hành “Ðề án xây dựng thành phố thông minh” làm cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh.
Năm 2018, Ðà Nẵng ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tập trung vào sáu trụ cột chính, gồm: Quản trị thông minh; kinh tế thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh; giao thông thông minh và công dân thông minh. Hiện, Ðà Nẵng đã hoàn thành 12 trong số 13 nhóm mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại đề án nêu trên; hoàn thành sớm 11 trong số 13 nhiệm vụ giao các địa phương đến năm 2025 tại đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Đà Nẵng cũng là địa phương dẫn đầu cả nước trong 11 năm liên tiếp (2009 - 2019) về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Cuối năm 2020, Ðà Nẵng vinh dự đón nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020).
Chặng đường mới
Quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng, dù đã đạt được những thành tựu nhất định, vẫn đang còn cả một chặng đường dài phía trước.
Với định hướng phát triển đến năm 2030 cơ bản trở trở thành trung tâm công nghệ cao của Việt Nam và khu vực, quá trình chuyển đổi số của Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi sự chuyển đổi cả chất và lượng. Về lượng, quá trình chuyển đổi số vẫn phải được duy trì và phát triển sâu rộng ở cả khối chính quyền lẫn tư nhân, ngoài ra hiệu ứng chuyển đổi số phải được lan tỏa ở khía cạnh xã hội. Về chất, quá trình chuyển đổi số sẽ phải hướng đến việc tạo ra những giá trị gia tăng một cách rõ rệt, thể hiện qua số lượng các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao từ khối doanh nghiệp hay từ những thay đổi cụ thể trong cách tổ chức, sắp xếp bộ máy chính quyền số theo hướng tinh gọn và hiện đại.
Để làm như vậy, về phía doanh nghiệp, các sản phẩm, dịch vụ không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà cần hướng đến những thị trường rộng lớn và tiềm năng hơn như thị trường Đông Nam Á hoặc EU, Mĩ. Theo đó doanh nghiệp sẽ cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh và các ngành công nghiệp công nghệ cao từ trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số của chính quyền trong giai đoạn mới cần tập trung vào nguyên tắc cốt lõi là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Về mặt chính sách, bên cạnh việc cụ thể hóa các chính sách chung về chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, chính quyền cũng cần chú trọng tới chính sách thu hút nhân tài, bao gồm cả việc thu hút nhân sự chất lượng cao từ quốc tế về làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng.
Sẽ còn cả một chặng đường dài để biến tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của Việt Nam và khu vực trở thành hiện thực, và những sự thay đổi sẽ phải bắt đầu ngay từ thời điểm này./.
Tác giả: Hoàng Dương
Nguồn tin: viettimes.vn