Từ động thái mới đây nhất Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỷ USD.
Đến việc tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Metro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD.
Có được những hệ thống bán lẻ này trong tay, hàng Thái ngày càng “rộng cửa” bước vào thị trường bán lẻ, hàng tiêu dùng trong nước và từ đó bước vào từng hộ gia đình người Việt.
Hàng “made in Thailand” độc chiếm nhiều quầy, kệ
Nhiều sản phẩm xuất xứ Thái Lan độc chiếm nhiều quầy kệ trong siêu thị. Không chỉ được đặt ở ngay lối ra vào, các loại bia, nước ngọt, bánh kẹo... còn được trưng bày trên những kệ hàng riêng biệt, sát quầy tính tiền, dễ thu hút khách hàng.
Từ các sản phẩm có thương hiệu trong ngành hàng mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, nước xả vải từ lâu đã quen với người dùng Việt Nam như Downy, Essence… vẫn cái tên đó nhưng nay thành xuất xứ từ Thái Lan. Đến nhiều mặt hàng khác như bánh kẹo, gia dụng, giày dép, gạo, nước mắm… cũng “made in Thailand”.
Tại khu bán gạo, gạo Thái Lan vươn lên vị trí “độc tôn” với đủ chủng loại, giá cả, "sát cánh" với khu bán rau củ quả, thực phẩm – dễ dàng thu hút các bà nội trợ bởi chiến lược khuyến mại, giảm giá hấp dẫn, hoặc đôi khi giá thực phẩm đến từ Thái Lan chỉ rẻ hơn so với hàng trong nước vài ba ngàn đồng.
"Dù chất lượng không nổi trội hơn so với gạo Điện Biên nhưng giá mềm hơn chút xíu nên tôi quyết định chọn mua gạo Thái Lan", một vị khách hàng mua tại siêu thị metro Hà Đông cho hay.
Khu vực trưng bày các sản phẩm gạo Thái Lan tại siêu thị (Ảnh: Kiều Linh)
Cũng theo chị D. nhân viên Metro quận 2, TP.HCM, tại hệ thống này hàng Thái thường về theo đợt. Tuy chưa chiếm ưu thế về số lượng so với hàng Việt nhưng xét về giá cả thì đa số các mặt hàng xuất xứ từ Thái Lan luôn rẻ hơn. Mỗi một mặt hàng, bên cạnh sản phẩm Việt Nam đều có hàng Thái xen vào. Những mặt hàng lượng mua lớn thì hàng Thái càng nhiều.
"Ví dụ như sữa đặc của Thái Lan thường được khách lựa chọn, vì giá rẻ hơn đến 6.000 đồng mỗi hộp so với các loại khác của Việt Nam. Ngay cả bột ngọt, sản phẩm đóng hộp đủ kích thước thì hàng Thái vẫn chiếm ưu thế", nhân viên siêu thị cho hay.
Không chỉ Metro, hệ thống Big C cũng đã đưa lên kệ nhiều mặt hàng nguồn gốc Thái Lan như nước xả vải, nước giặt quần áo. Tương tự, nhiều quầy hàng Thái Lan được bố trí tại các vị trí đẹp nhất, thu hút nhiều người tham quan, mua sắm.
Nước mắm Thái Lan trở nên chiếm ưu thế so với hàng Việt
Lối đi nào cho hàng Việt Nam?
Lý giải nguyên nhân hàng Thái nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, giới chuyên gia trong ngành cho rằng hàng Thái rẻ hơn hàng Nhật, Hàn Quốc, chất lượng ưu việt hơn hàng Trung Quốc và mẫu mã lại đẹp hơn hàng Việt Nam.
Và để chinh phục người Việt, hàng Thái không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà còn được “ưu đãi” bởi các ông chủ đến từ quốc gia này (như vị trí đắc địa trong trung tâm thương mại, siêu thị).
Không phải ngẫu nhiên mà Metro đặt sản phẩm Thái cùng loại bên cạnh sản phẩm Việt, đó là cách để người dùng tự làm phép tính so sánh. Với mẫu mã, giá cả hợp lý thì chắc chắn hàng Thái sẽ là được lựa chọn.
Hiện, chưa có kết luận của cơ quan chức năng nào về hàng Thái chiếm bao nhiêu phần trăm trong siêu thị và những hàng Việt nào đã bị đẩy ra khỏi danh sách cung ứng. Tuy nhiên, ở góc độ thực tế đổ bộ của hàng hoá Thái khiến nhiều doanh nghiệp nội không khỏi lo ngại.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng muốn giữ được vị thế trên sân nhà, các đơn vị trong nước cần phải liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến lưu thông trên thị trường. Phải tận dụng được thế mạnh của mỗi đơn vị, từ đó mới tạo được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, e ngại vẫn còn đó, bởi không phải một sớm một chiều mà việc liên kết, xúc tiến được diễn ra đồng thời, ngay lập tức và có hiệu quả.
Tác giả bài viết: Phương Cảo (T/h)