Kinh tế

Hàng tiêu dùng nhanh bán chạy trên mạng

Mức tăng trưởng chung của ngành tiêu dùng nhanh tại Việt Nam chỉ đạt 4,4% thì doanh số ngành này trên kênh thương mai điện tử tăng đến 33%.

Đây là kết quả từ báo cáo thường niên "Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh" do Công ty Kantar Worldpanel vừa công bố. Ông Fabrice Carrasso - Tổng giám đốc Điều hành của Kantar Worldpanel Việt Nam, Indonesia và Philippines cho biết tại Việt Nam, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trực tuyến đã tăng trưởng ở mức hai con số.

"Thương mại điện tử sẽ trở thành xu thế của các mặt hàng tiêu dùng nhanh trong tương lai, thu hút nhiều thương hiệu tham gia và hoàn thiện quy trình kinh doanh một cách nhanh chóng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng vì sự thay đổi sẽ trở thành hiện thực nhanh hơn bạn nghĩ", ông Fabrice Carrasso chia sẻ.

FMCG 3776 1477303987

Báo cáo chỉ ra rằng trên thị trường toàn cầu, doanh số hàng tiêu dùng nhanh thông qua kênh thương mại điện tử tăng 15% đạt 48 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 6/2016, chiếm 4,4% tổng doanh thu bán hàng. Trái ngược với thị trường trực tuyến đang phát triển chóng mặt, ngành hàng tiêu dùng nhanh nói chung khá ảm đạm, chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn ông Stéphane Roger - Giám đốc toàn cầu về Hành vi mua sắm và các Kênh bán lẻ của Kantar Worlpanel nhận xét về tổng thể ngành hàng tiêu dùng nhanh đang tăng trưởng chậm lại và người dùng đang tìm đến sự tiện lợi thông qua mua sắm trực tuyến. Dự đoán kênh mua sắm này sẽ tăng lên đến 9% thị phần trong tổng ngành hàng và đạt trị giá 150 tỷ USD vào năm 2025 trên toàn cầu. Sự hỗ trợ từ những ông lớn như Amazon sẽ giúp người dùng tiếp cận thuận lợi xu hướng mới.

"Doanh số bán hàng trực tuyến có khả năng sẽ dần chiếm lĩnh doanh thu từ các cửa hàng. Vì thế các nhà bán lẻ cần phản ứng nhanh chóng để phát triển mô hình thương mại điện tử vững chắc", ông Stéphane Roger nói.

Hiện tại Hàn Quốc - quốc gia hàng đầu về điện tử kỹ thuật số, đang là thị trường hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến lớn nhất trên thế giới, tính theo giá trị thị phần chiếm 16,6%. Nhưng ở Mỹ chỉ 1,4% sản phẩm FMCG mua qua mạng. Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 12 tháng lên đến 47%, chiếm 4,2% tổng thị phần.

Phần lớn các nước châu Âu thích ứng tương đối chậm với hình thức này, ngoại trừ Anh (6,9% thị phần) và Pháp (5,3%). Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các nước Mỹ Latinh, trừ Argentina khởi sắc hơn với 1% thị phần.

Khảo sát Kantar Worldpanel cho thấy một khi khách hàng đã bắt đầu mua sắm trực tuyến, nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục thực hiện. Nhóm người dùng này qua mỗi năm lại chi nhiều tiền hơn mua trên mạng, dẫn đến sụt giảm số lần mua sắm tại các cửa hàng truyền thống.

50% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh từ trực tuyến đến từ sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, tăng trưởng 8,1% trong năm qua. Giá trị giỏ hàng trực tuyến ngày càng lớn, người mua thường chi tiêu nhiều hơn cho mỗi giao dịch trên mạng so với mua hàng truyền thống. Bên cạnh đó, 55% người mua online sẽ sử dụng danh sách sản phẩm đã mua trước đó cho lần kế tiếp, vì vậy các thương hiệu cần tập trung nỗ lực để lọt vào trong danh sách này.

Tác giả bài viết: Minh Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP