Kinh tế

Hàng ngoại đồng giá “tấn công” thị trường

Thời gian gần đây, hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện ích, bán hàng đồng giá tới từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Điểm chung của các chuỗi cửa hàng này là hàng hóa phong phú và giá rẻ, sản phẩm hướng đến sự tiện dụng, bao bì bắt mắt… phục vụ đối tượng khách hàng là giới trẻ, sinh viên, học sinh và các bà nội trợ.

Bên trong một cửa hàng tiện ích bán đồ đồng giá tại Hà Nội. Ảnh: L.L

Rầm rộ mở rộng mạng lưới

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, thời gian qua thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ chuỗi các cửa hàng tiện lợi, trong đó phải kể đến những “cái tên” như: Family Mart, MiniStop, B’s Mart, Circle K, Shop&Go, VinMart+, 7 Eleven…

Đáng chú ý, một phân khúc thị trường khác là chuỗi các cửa hàng tiện ích, trong đó nhiều sản phẩm được bán đồng giá tới từ các thương hiệu Nhật, Hàn và Trung Quốc như: Daiso, Miniso, Ilahui... cũng có mặt ở Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu (franchise).

Đơn cử như CTCP Thương mại - Bán lẻ Vicretail là nhà độc quyền nhãn hiệu Ilahui (chuỗi cửa hàng tiện ích, phụ kiện thời trang mang phong cách Hàn Quốc) tại Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Chính thức “đặt chân” vào thị trường Việt Nam vào tháng 9.2016, đến nay thương hiệu này đã có mặt tại 23 tỉnh, thành phố với hệ thống 31 cửa hàng. Các sản phẩm từ thời trang nam nữ, phụ kiện, đồ chơi, văn phòng phẩm, vật dụng gia đình, phụ kiện điện tử, mỹ phẩm... được bày bán đa dạng với mức giá từ 10.000 đồng.

Trước đó, tháng 9.2016, thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng ứng dụng thời trang Nhật - Miniso cũng đã có mặt ở Việt Nam bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu bởi tập đoàn Lê Bảo Minh, dưới sự quản lý trực tiếp của Công ty Miniso Việt Nam. Tính đến thời điểm này, thương hiệu này đã mở được tới 20 cửa hàng tại Hà Nội, TPHCM và Vinh. Trong số hàng nghìn đầu sản phẩm, nhiều sản phẩm có giá chỉ 2USD (43.000 đồng). Thương hiệu cũng thực hiện chính sách một giá trên quy mô toàn cầu.

Đáng chú ý, trong phân khúc cửa hàng đồng giá, Daiso và Komonoya là hai thương hiệu đáng chú ý khi đang tiếp tục mở rộng hệ thống ở Hà Nội và TPHCM. Trong đó, các sản phẩm của thương hiệu Daiso hiện được phân phối bởi Cty TNHH Aeon Việt Nam còn đơn vị quản lý nhượng quyền Komonoya là Tập đoàn Central Group (Thái Lan).

Tại các cửa hàng, có tới hàng nghìn chủng loại sản phẩm như phụ kiện làm đẹp, vật dụng trang trí, đồ làm bếp, làm vườn, văn phòng phẩm... tất cả đều được bán với mức giá 40.000 đồng. Theo Daiso Việt Nam, 30-40% sản phẩm trong chuỗi có xuất xứ từ Nhật Bản. Số còn lại sản xuất ở Việt Nam và Trung Quốc.

Sắp thêm nhiều thương hiệu mới

Mặc dù so sánh cho thấy tốc độ mở rộng mạng lưới của các thương hiệu này hiện chưa đồng đều. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, hiệu quả từ mô hình này hứa hẹn sẽ thu hút thêm nhiều thương hiệu mới vào Việt Nam. Hồi tháng 5 vừa qua, V.I.C Retail - Công ty mẹ đưa nhãn hàng Ilahui về Việt Nam đã ký thỏa thuận việc mua nhãn hàng JHC (thương hiệu đồ gia dụng Nhật Bản - Japan Home Centre) để phân phối độc quyền trong chính chuỗi cửa hàng Ilahui song song với các cửa hàng JHC độc lập; qua đó mở rộng đối tượng khách hàng từ 5-65 tuổi thay vì 13-55 tuổi như trước.

Đại diện Ilahui Việt Nam cũng cho biết, trong quý III năm nay, thương hiệu này sẽ được phân phối tại chuỗi cửa hàng Ilahui trên cả nước. Trên fanpage chính thức, thương hiệu này cũng đang rục rịch tuyển dụng nhân sự để sẵn sàng ra mắt thị trường trong tương lai gần.

Xu hướng hiện nay cho thấy, các thương hiệu này đều đang nỗ lực gia tăng thị phần để mở rộng hệ thống bằng cách đa dạng hóa sản phẩm về giá bán, xuất xứ, nhãn hàng, chủng loại… đáp ứng nhu cầu của khách hàng trước sự cạnh tranh bùng nổ của thị trường bán lẻ.

Trước đó, từ năm 2006, mô hình cửa hàng đồng giá đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với các sản phẩm nhỏ nhặt, giá từ 5.000-10.000 đồng. Khi thị trường đã bão hòa, hàng loạt cửa hàng đồng giá mọc lên như nấm đành ngậm ngùi chấp nhận đóng cửa bởi khách hàng không còn mặn mà.

Trong lần trở lại với nhiều sản phẩm mới tới từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… cộng với sự mở cửa ngày càng lớn của thị trường đã và đang khiến nhượng quyền thương hiệu trở thành cách đầu tư được nhiều người quan tâm.

Tác giả: Linh Linh

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP