Xã hội

Hàng nghìn cây giống hỗ trợ trồng rừng bị vứt bỏ không thương tiếc

Sau vụ cháy hơn 160 ha rừng phòng hộ tại xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), UBND tỉnh đã cấp hàng vạn cây keo giống với giá trị gần 300 triệu đồng để địa phương này trồng lại rừng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, một số lượng lớn giống cây bị vứt bỏ la liệt dưới chân núi.

Nhiều ngày qua, nhiều người dân của xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) vô cùng bức xúc bởi hàng nghìn cây giống được giao về cho chính quyền địa phương và các chủ rừng bị vứt bỏ không thương tiếc, gây lãng phí nguồn hỗ trợ của Nhà nước và ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng.

Càng bức xúc hơn khi sự việc này đã được người dân đưa ra kiến nghị tại nhiều cuộc họp của địa phương song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Rất nhiều cây giống được vứt bỏ không thương tiếc tại ngã ba Khe Sâu thuộc xã Hoằng Khánh.

Theo ghi nhận, có hàng nghìn cây keo giống bị vứt bỏ tại khu vực ngã ba Khe Sâu, thuộc thôn 12 và khu vực mỏ quặng Huy Hoàng, thuộc thôn 2, xã Hoằng Khánh. Riêng điểm vứt bỏ khu vực thôn 2 xã Hoằng Khánh đã được xác định gần 4000 cây.

Thời điểm được phát hiện các bịch đựng cây giống đã rách, thân cây khô, gãy nát nhưng còn nguyên các bao vỏ bọc gốc. Đây là những khu vực vắng vẻ, nằm xa khu dân cư nên ít người qua lại vì vậy một số lượng lớn cây keo giống bị vứt bỏ mà không ai hay biết.

Gần 4000 cây được phát hiện ở thôn 2, xã Hoằng Khánh.

Một người dân địa phương bức xúc: “Khi cây giống mới đưa về, người dân mừng lắm, vì số cây giống này sẽ được phủ kín khu vực xảy ra cháy rừng trước đây. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cây giống lại bị vứt bỏ lãng phí, chết khô, chết héo nhiều như thế này, diện tích rừng cháy thì không được bổ sung mà còn thất thoát kinh phí của nhà nước”.

Được biết, vụ cháy rừng phòng hộ năm 2015, riêng xã Hoằng Khánh đã bị cháy hơn 160 ha rừng. Đến cuối tháng 9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kế hoạch trồng lại rừng. Theo đó, riêng xã Hoằng Khánh được phân bổ hơn 296 triệu đồng tiền để mua cây giống (loại cây keo tai tượng Úc). Khi đơn vị cung cấp cây giống đưa về, được bàn giao cho chính quyền địa phương và các hộ là chủ rừng để triển khai trồng.

Đáng nói, tại văn bản báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa gửi Ban quản lý quỹ bảo vệ phát triển rừng Thanh Hóa do ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện này ký nêu rõ diện tích đã trồng của hai xã Hoằng Trung và Hoằng Khánh là 174/177 ha, đạt 98%. Báo cáo cũng cho biết, mật độ trồng 1600 cây/ha. Như vậy, rõ ràng con số trong báo cáo này hoàn toàn không chính xác khi hàng nghìn cây hỗ trợ của xã Hoằng Khánh bị vứt bỏ đồng nghĩa với rất nhiều ha rừng không được trồng.

Cháy rừng tại xã Hoằng Khánh vào năm 2015 khiến hàng trăm ha rừng bị thiêu rụi.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh xác nhận, có tình trạng cây giống hỗ trợ bị vứt bỏ và việc này là do hộ dân là chủ rừng đã vứt bỏ không trồng.

“Về sự việc phản ánh này, xã cũng xin nhận trách nhiệm là chưa giám sát chặt chẽ quá trình trồng rừng của người dân. Từ sự việc này, địa phương sẽ khắc phục nếu có dự án tương tự, tránh lãng phí tiền cây, giống của nhà nước” - ông Hồng phân trần

Cũng theo ông Hồng, đối với các hộ không trồng sẽ phải bồi hoàn tiền cây giống cho nhà nước.

Tác giả: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP