Trong nước

Hàng chục triệu người mất việc do Covid-19 nhận tin vui từ gói 62.000 tỷ

UB Thường vụ QH hôm nay họp phiên bất thường cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

UB Thường vụ QH nghe Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Báo cáo nêu, theo dự báo sẽ có từ 2 - 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của Covid-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Do vậy, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng Chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa 3 tháng.

Băn khoăn vì 2 mức hỗ trợ chênh lệch quá lớn

Đa số các ý kiến thành viên UB Thường vụ QH nhất trí cao với đề nghị của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các thành viên UB Thường vụ QH cũng phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền quyết định các giải pháp do Chính phủ đề xuất và đề nghị Chính phủ làm rõ từng thẩm quyền để thực hiện theo những trình tự, thủ tục phù hợp. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của QH cần báo cáo QH tại kỳ họp thứ 9.

Về đối tượng thụ hưởng, ý kiến của các thành viên UB Thường vụ QH nhấn mạnh phải hỗ trợ đúng đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do dịch tác động trực tiếp.

Một số thành viên đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ, không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, cần làm rõ các tiêu chí để xác định cụ thể mức độ giảm sâu thu nhập do dịch bệnh; xác định đối tượng lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng.

Về mức hỗ trợ, ý kiến của UB về Các vấn đề xã hội và một số thành viên băn khoăn việc chia 2 mức là 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động có mức chênh lệch giữa khá lớn. Việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu.

Về quy mô và nguồn lực hỗ trợ, nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động do hiện nay là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện các hoạt động đào tạo là chưa phù hợp.

Về nguồn lực ở các địa phương, các đại biểu cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn các địa phương thực hiện rõ ràng để tránh chồng chéo, chính sách “chồng” chính sách.

Hạn chế “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra tiêu cực.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định UB Thường vụ QH nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thường vụ QH cũng thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ và thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, nếu phải kéo dài thì cần báo cáo UB Thường vụ QH.

UB Thường vụ QH đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ các tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục.

UB Thường vụ QH giao UB Tài chính Ngân sách và UB về Các vấn đề xã hội của QH phối hợp với các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh nghị quyết để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật. Đồng thời, Chính phủ cần chuẩn bị những nội dung cần báo cáo về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 trong thời gian qua để báo cáo QH tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP